Theo VnExpress, “trước mắt chúng tôi cây xanh đổ ngã, mái tôn, bảng quảng cáo, kính vỡ, sắt thép đầy đường”, Nguyễn Đình Anh Khoa, trưởng đoàn PUN75 nói.
Dự kiến 15h30, 50 tình nguyện viên khác của nhóm sẽ lên tàu từ Huế ra Hải Phòng.
Anh Khoa cho biết rút kinh nghiệm từ những đợt bão, lũ gây thiệt hại lớn ở Huế, khi đoàn hỗ trợ hai miền Bắc – Nam ra tới nơi thì lực lượng địa phương đã dọn dẹp gần xong nên nhóm muốn đến hỗ trợ sớm nhất có thể. Tuy ý tưởng có từ sớm họ vẫn mất một ngày để liên hệ ra vùng tâm bão, đồng thời chuẩn bị lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị cần thiết.
Xe tiền trạm của Hội phản ứng nhanh PUN75 đã đến Hải Phòng sáng 9/9. Ảnh: Hội phản ứng nhanh PUN75
7h ngày 9/9, hơn 35 thành viên nhóm Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường thẳng tiến Hải Phòng để chung tay khắc phục hậu quả sau bão Yagi. “Chúng tôi hiểu được những khó khăn khi cơn bão đi qua nên mong muốn đóng góp sức nhỏ của mình cho bà con vùng tâm bão Yagi”, anh Lưu Lê Dũng, trưởng nhóm Jungle Boss nói.
Nhóm tập hợp người địa phương ở Phong Nha, Quảng Bình, làm trong công ty được đào tạo bài bản kỹ năng cứu hộ cứu nạn qua quá trình thám hiểm hang động. Họ mang theo trang thiết bị an toàn và leo trèo chuyên dụng trong trường hợp cần dùng đến.
Anh Dũng cho biết nhiệm vụ của nhóm các ngày tới chủ yếu là dọn dẹp cây cối, sửa chữa lại các trường học hoặc bệnh viện bị bão làm hư hỏng. “Hỗ trợ bà con miền Bắc cũng là tinh thần tương trợ và cũng là nghĩa tình lúc hoạn nạn có nhau”, anh nói.
Các thành viên của Jungle Boss, từ Phong Nha, Quảng Bình chuẩn bị đồ nghề chiều 8/9, trước khi lên đường hỗ trợ Hải Phòng khắc phục hậu quả bão Yagi. Ảnh: Jungle Boss
Ngoài các hội nhóm, nhiều người dân miền Trung cũng mong muốn được sẻ chia khó khăn với đồng bào miền Bắc. Ở xã miền núi Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, những ngày qua chị Phan Khánh Thìn, 36 tuổi, một lòng hướng về miền Bắc. Chị nói quê mình hàng năm chịu nhiều thiên tai bão lũ, mỗi lần có thiên tai đều nhận được nhiều sự giúp đỡ của mọi người từ mọi miền Tổ quốc. Nay bà con miền Bắc gặp nạn, người dân miền Trung vô cùng lo lắng. “Không biết ngoài đó bà con ít kinh nghiệm chống bão, có tích trữ được đồ ăn, bảo vệ được nhà cửa hay không”, chị nói.
Chị Thìn kể đến giờ vẫn không thể quên mùa bão lũ 2016 khi mới sinh con thứ ba, bão vào làm tốc mái. May nhờ hỗ trợ, gia đình mới có tiền để lợp lại mái và lương thực chống đói, quần áo, chăn màn, sách vở cho gia đình bắt đầu lại cuộc sống.
“Ân tình đó tôi ghi nhớ suốt cuộc đời”, chị nói. “Kể từ đó vợ chồng tôi bảo nhau cố phấn đấu cho kinh tế khá lên, mai này có điều kiện giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn khác”.
Chị Thìn luôn ghi nhớ ân tình của bà con Bắc – Nam qua các mùa bão trước như một động lực sống. Ảnh màn hình Facebook nhân vật
Sau mùa bão lũ 2016, gia đình chị Thìn có thêm động lực thoát nghèo bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng. Hàng năm, chị Thìn luôn chia sẻ lại hình ảnh gia đình nhận được sự hỗ trợ của đoàn thiện nguyện như một sự nhắc nhớ bản thân.
Sau khi đọc thông tin bão Yagi gây thiệt hại lớn, chị bàn với chồng là anh Trương Huy Sơn sẽ làm gì đó để giúp đỡ lại bà con miền Bắc. Hiện chị đã liên hệ với các đầu mối tiếp nhận hỗ trợ ở miền Bắc, sẵn sàng đóng góp tiền và vật lực nếu người dân cần.
Chị Lê Linh, trưởng nhóm tiếp nhận tình nguyện viên ở TP Hải Phòng, cho biết sau bão Yagi, huyện Tiên Lãng, quận Đồ Sơn, Cát Bà và Cát Hải là những nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất tỉnh. Sáng nay 9/9, quận Đồ Sơn vẫn mất điện, mất nước, không mạng wifi.
Hai ngày tới, Đồ Sơn sẽ diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống (10/8 âm lịch). Tình hình về thực phẩm, kinh tế của người dân ổn định nhưng rất cần nguồn lực con người để khắc phục hậu quả sau bão.
May mắn đã có hàng trăm tình nguyện viên đổ về ngay trong đêm. “Tôi rất xúc động trước tinh thần tương trợ này”, chị Linh nói.
Theo VTCNews, ngày 10/9, Trung tâm Công viên cây xanh TP Đồng Hới (Quảng Bình) vừa đưa 10 cán bộ, nhân viên lên đường tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại TP Hà Nội và Hải Phòng.
Trung tâm Công viên cây xanh TP Đồng Hới cho biết, đoàn công tác này gồm những người có sức khỏe và chuyên môn tốt cùng một xe cẩu trọng tải 5 tấn, một cơ số thiết bị chuyên dụng tham gia hỗ trợ các địa phương vừa nêu trong 10 ngày.
Trung tâm Dịch vụ và quản lý bến xe khách Quảng Bình cũng kết nối với các nhà xe để miễn phí vận chuyển nhu yếu phẩm từ Quảng Bình gửi hỗ trợ người dân các tỉnh, thành phía Bắc khắc phục hậu quả siêu bão số 3 theo các tuyến vận tải từ Quảng Bình đến Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang.
Đối với các tình nguyện viên đến hỗ trợ vùng tâm bão số 3, đơn vị này tài trợ vé xe 2 chiều cho 50 tình nguyện viên đến tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngoài ra, một số người dân ở TP Đồng Hới cũng đưa cano bảo trì để chiều 10/9 di chuyển ra các vùng mưa lũ phía Bắc hỗ trợ người dân. Những chiếc cano này do người dân tự bỏ tiền túi để mua.
Hiện nay, các nhóm thiện nguyện ở tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi, kết nối nhiều nơi để tập hợp các loại thuyền, cano, chuẩn bị đưa ra các tỉnh phía Bắc hỗ trợ bà con. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội ở tỉnh Quảng Bình đang kêu gọi, tập hợp tình nguyện viên và đóng góp, ủng hộ thuyền, áo phao, lương thực, thực phẩm người dân bị thiệt hại do bão số 3 để lên đường ra miền Bắc.
Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình cũng gửi thư tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, ủng hộ nhân dân các tỉnh phía Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Ông Lê Như Chinh – Giám đốc Trung tâm Công viên Cây xanh Huế cho biết, đơn vị vừa cử nhân viên mang theo các trang thiết bị, máy móc lên đường ra TP Hà Nội để hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3. Theo đó, đoàn gồm 16 người cùng các phương tiện xuất phát từ khuya hôm qua (8/9), khi đến nơi sẽ hỗ trợ lực lượng chức năng TP Hà Nội khắc phục, cắt tỉa, thu dọn và trồng lại cây xanh.
Trước đó, hơn 150 tình nguyên viên của Hội Phản ứng nhanh tỉnh Thừa Thiên – Huế (PUN75) và Công ty Lữ hành Jungle Boss Tours (Quảng Bình) lên đường ra Bắc hỗ trợ khắc phục hậu quả mà thiên tai để lại. Hiện lực lượng đang có mặt tại Hải Phòng – Quảng Ninh để hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân.
Ngoài ra, UBND Đà Nẵng vừa thống nhất hỗ trợ các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Bước đầu Đà Nẵng trích 25 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh phía Bắc, đồng thời lập các đoàn công tác trực tiếp ra các tỉnh bị thiệt hại để thăm hỏi, động viên chia sẻ và khắc phục hậu quả bão Yagi.
Cạnh đó, Hà Nội và Hải Phòng đề nghị Đà Nẵng hỗ trợ lực lượng cắt dọn, giải phóng cây xanh vì số lượng cây gãy đổ rất lớn. Do đó, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng quyết định giao Sở Xây dựng thành phố thành lập, cử lực lượng cùng phương tiện ra 2 địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Một đoàn công tác của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lên đường ra Hà Nội và bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng cũng có công văn kêu gọi toàn ngành vận động ủng hộ ngành Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố phía Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão Yagi gây ra.
Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ Copy link