Các thành viên Chính phủ thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền quyết định xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, hoàn thành vào năm 2035.
Ngày 24/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7, trong đó tập trung thảo luận Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Kết luận số 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất về chủ trương để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, phù hợp xu thế phát triển của thế giới.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt tốc độ cao dài 1.541 km, hoàn thành vào năm 2035, kết hợp kinh tế với an ninh – quốc phòng. Đồng thời, kết hợp giữa vận tải hành khách là chủ yếu và vận tải hàng hóa nhẹ khi cần thiết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu các cơ chế để chuyển giao công nghệ, xây dựng ngành công nghiệp đường sắt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, xây dựng cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hóa nguồn lực gồm của Nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn vay, vốn phát hành trái phiếu, vốn của doanh nghiệp, vốn từ khai thác hiệu quả tuyến đường sắt. Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự lực, tự cường, nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp để triển khai các dự án hạ tầng lớn khác.
Thủ tướng chỉ đạo đánh giá kỹ tác động, nhất là liên quan tới nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao.
Bên cạnh đó, cần nâng cấp các tuyến đường sắt hiện hữu để tập trung cho vận tải hàng hóa, phát triển du lịch và nghiên cứu, sớm triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, tuyến đường sắt Vientiane (Lào) – Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Về 2 đề nghị xây dựng luật (Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi); 2 dự án luật (Luật Điện lực sửa đổi, Luật Việc làm sửa đổi) được thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu đề xuất các quy định phải theo hướng “rõ nội dung, rõ chủ thể, rõ thời gian, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”. Cùng đó cần có cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên trên cơ sở xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động đa chiều, bảo đảm tính khả thi cao và linh hoạt khi cần điều chỉnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong quá trình xây dựng phát luật cần coi trọng công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch để người dân cùng hiểu, cùng làm, cùng tham gia, cùng góp ý và thụ hưởng thành quả.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trong xây dựng các dự án luật, đề nghị xây dựng luật là chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả, không hình thức, không màu mè, khi đi vào cuộc sống phải tháo gỡ được khó khăn, vượt qua được thách thức, huy động được nguồn lực. Từ đó tạo sự phấn khởi trong nhân dân, doanh nghiệp, phát huy khí thế, giữ đà phát triển cho đất nước.
Thủ tướng quán triệt các cơ quan chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật, đề án, chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, kỹ lưỡng, phối hợp ngay từ đầu với các cơ quan của Quốc hội trong việc trình, thẩm tra, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Quốc hội, địa biểu Quốc hội.
“Tích cực chuẩn bị sớm các nội dung phục vụ Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhất là các luật có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây“, Thủ tướng đề cập.