Cơn đ au ‘đến tận x:ương t/ủy’ sau kéo dài 8 cm chân

Sau ca mổ lắp khung kéo dài chân, Nguyễn Minh Hiếu, 31 tuổi, kiệt quệ thể xác và tinh thần khi phải chịu đựng cơn đau buốt não, thuốc giảm đau cũng “vô dụng”.

Báo VnExpress ngày 12/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Cơn đau ‘đến tận xương tủy’ sau kéo dài 8 cm chân” cùng nội dung như sau:

Sau phẫu thuật lắp khung vào tháng 1/2024, đôi chân của Hiếu dần được kéo ra, mỗi ngày 1 mm. Khi đó, mạch máu, gân, cơ giãn dần, các dây thần kinh không kéo kịp làm chàng trai “đau đớn đến tận xương tủy, thuốc tê, giảm đau cũng không có tác dụng”.

Trong một tháng, Hiếu phải buộc đá lạnh vào những phần thịt bỏng rát, nhưng chỉ vơi đi phần nào nỗi đau. Cứ đến 22h, cơn đau trỗi dậy, “nóng bỏng, nhức nhối, dữ dội” khiến người đàn ông vừa chườm đá, xoa chân, vừa kêu gào. Thời gian này, anh giảm 8 kg, gầy guộc, mệt yếu. Hiếu bỏ việc tại công ty vận chuyển hàng hóa, không muốn cầm máy điện thoại nghe cuộc gọi, tâm trí luôn nghĩ đến việc làm sao bớt đau.

“Tôi không thể ăn, ngủ, rơi vào stress, trầm cảm, sống thu mình suốt một khoảng thời gian dài”, anh bộc bạch, hôm 11/11.

Với chiều cao 1,58 mét, Hiếu luôn tự ti, chán nản, vì bản thân lọt thỏm giữa đồng nghiệp, bạn bè. “Ngay cả với những bạn nữ, tôi cũng phải ngước nhìn”, anh nói, thêm rằng đánh mất nhiều cơ hội sự nghiệp, tình duyên vì thấp bé.

Khát khao thay đổi ngoại hình, chàng trai tìm hiểu các thông tin về phẫu thuật kéo chân, trong đó gồm nhiều nội dung tiêu cực. Tuy nhiên, càng đọc, anh càng quyết tâm “đổi đời” với canh bạc này. Phẫu thuật kéo dài chân là kỹ thuật y học nhằm tăng chiều dài chân bằng cách kích thích khả năng tái tạo xương của cơ thể. Quy trình bao gồm các bước chuẩn bị trước mổ, cắt xương, lắp đặt thiết bị và tiến hành kéo dài xương dần dần sau đó.

Ca phẫu thuật lần đầu để định hình, lắp khung cho chân Hiếu diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đầu năm 2024. Bác sĩ gây mê, cắt xương chân, sau đó đặt đinh, khung, khiến các ốc vít kéo giãn khớp, tiến hành kéo chân.

Sau đó, Hiếu về nhà, hàng ngày thuê nhân viên y tế đến tập phục hồi chức năng trong 1,5 tiếng. Khi mới kéo, anh được hướng dẫn tập những bài nhẹ nhàng, đến lúc chân dài ra hơn, sẽ là các bài nặng hơn. Mỗi giai đoạn, người đàn ông phải chịu đau một kiểu khác nhau, từ xương đến dây thần kinh ngoại biên. Thuốc giảm đau được bác sĩ chỉ định uống vào sáng, tối hằng ngày nhưng có nhiều thời điểm, Hiếu uống liên tục và tăng liều.

“Nhưng cơn đau dây thần kinh ngoại biên thì dù có thuốc cũng không tác dụng, tôi phải cắn răng chịu đựng”, Hiếu nói.

Đến tháng 4, chân người đàn ông dài ra 8 cm. Sau đó, anh tiếp tục ca phẫu thuật lần hai mổ tháo khung định hình khi chân đạt đủ chiều cao.

PGS. TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương – Chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết người kéo chân chia thành hai nhóm, gồm kéo dài chân bệnh lý và nhóm thẩm mỹ. Nhóm bệnh lý là can thiệp cho người có hai chân so le thành hai chân bằng nhau. Nhóm thẩm mỹ là những người có tầm vóc thấp nhỏ sẽ kéo chân để cao lớn hơn.

108 là một trong những nơi đầu tiên thực hiện kéo dài chi ở Việt Nam, đến nay đã thực hiện hàng trăm trường hợp. Những năm gần đây, nơi ngày ghi nhận trung bình khoảng 30-40 ca/năm, nam nhiều hơn nữ, hai phần ba dưới 30 tuổi. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

Trước năm 2011, khi kéo chân theo phương pháp cổ điển, tức bệnh nhân phải đeo khung kéo dài hàng năm trời, thì số lượng bệnh nhân rất ít. Nay sử dụng phương pháp mới, thời gian mang khung ít hơn, chỉ khoảng 3 tháng và sử dụng đinh nội tủy, số lượng người kéo tăng lên.

Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới. Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài. Khi cơ xương khớp đã ổn định, tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại sinh hoạt chạy nhảy bình thường.

Tổng chi phí cho quá trình kéo dài chân ở Việt Nam khoảng vài trăm triệu đồng. Trong khi đó chi phí cho một ca phẫu thuật kéo dài chân ở Mỹ khoảng 85.000 USD (tương đương 2 tỷ đồng), ở Anh (khoảng 1,5 tỷ đồng).

Hiện tại khi xương phát triển, mọc đều, Hiếu không còn bị đau nhiều, song chân vẫn còn yếu, phải hạn chế vận động, không thể chạy nhảy. Anh tiếp tục thăm khám, khi nào xương mọc hoàn chỉnh sẽ phẫu thuật lần ba để tháo đinh nội tủy, dự kiến khoảng 1,5 -2 năm. Tổng chi phí cho hai lần mổ, phục hồi đi lại ăn uống, thuốc men của Hiếu khoảng 500 triệu đồng.

“Một cảm giác rất tự tin và hãnh diện khi sải bước, mọi đau đớn đều quên hết”, Hiếu nói, sau khi chân dài hơn 8 cm, đạt 1m 67.

Trước đó, báo Lao Động ngày 24/06 cũng có bài đăng với thông tin: “Chi hàng trăm triệu đồng để phẫu thuật kéo dài chân”. Nội dung được báo đưa như sau:

Vượt lên nỗi đau để có thể hình như mong muốn

Tháng 2.2024, anh Nguyễn Trọng Đức (SN 1992, TP. Hồ Chí Minh) quyết định phẫu thuật kéo dài chân tại một bệnh viện ở quận Tân Bình (TP. Hồ Chí Minh).

Đến nay đã hơn 4 tháng kể từ phẫu thuật, anh Đức cho biết, tình trạng chân phục hồi khá tốt, có thể đi đứng bình thường trong khung tập đi.

“Trước khi phẫu thuật, tôi cao 1m67 nên rất mặc cảm so với bạn đồng trang lứa, tạng người mỏng nên nhìn yếu ớt” – anh Đức trải lòng.

Anh Đức chia sẻ, ca phẫu thuật kéo dài chân thêm 8cm thành 1m75 đã diễn ra thành công ngoài sức mong đợi.

“Chắc chắn đau đớn là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, so với những ám ảnh trong quá khứ, từng bị bạn bè trêu chọc hồi cấp 2 thì tôi sẵn sàng vượt qua để có thân hình tự tin hơn” – anh Đức cho hay.

Được biết, ca phẫu thuật kéo chân của anh Đức hết 160 triệu đồng, ngoài ra, chi phí hậu phẫu thuật thêm khoảng 60 triệu đồng/6 tháng.

“Ngoài ra, sau phẫu thuật, tôi phải nghỉ ở nhà khoảng 1 năm để ổn định, do đó phải có một khoản quỹ dự phòng khác để lo chi tiêu cuộc sống”, anh Đức cho hay.

Cũng từng thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1997, Hà Nội) cho biết, trong khoảng thời gian du học tại Trung Quốc, từng bị tuột mất nhiều cơ hội, tham gia hoạt động ở trường luôn bị ngó lơ chỉ vì chiều cao 1m48.

Chị Ngọc Anh cho biết, ước mơ của bản thân là cải thiện chiều cao để được sống “bình thường” như bao người, không bị gièm pha từ những người xung quanh.

“Năm 2021, tôi đã thăm khám tại một Bệnh viện tuyến Trung ương và thực hiện ca phẫu thuật tại một Bệnh viện Quốc tế ở Hà Nội để tăng thêm 7cm”, chị Ngọc Anh cho hay.

Cũng theo Ngọc Anh, ngoài việc chuẩn bị tài chính vững vàng khoảng 300 – 500 triệu/đồng, bản thân chị tự nhủ phải giữ vững tâm lý, vượt qua sự ngăn cấm từ gia đình và có thể đối diện với rủi ro về sau.

Đổi lại, sau 3 năm đưa ra quyết định, Ngọc Anh cho hay chưa từng hối hận vì những gì đã làm.

“Tôi như được sống một cuộc đời rất khác, tự tin diện những bộ váy mà trước đây chưa dám mặc, giao lưu và kết bạn rất thoải mái, thậm chí công việc cũng rất thuận lợi” – chị Ngọc Anh chia sẻ.

Hiện, chị Ngọc Anh là quản trị viên của một group Facebook có 500 thành viên với mục đích chia sẻ kinh nghiệm về phẫu thuật kéo dài chân cho những người mới.

Cẩn trọng với những biến chứng sau phẫu thuật kéo dài chân

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Ths. BS Lê Thị Hải – Nguyên giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia – cho biết, phẫu thuật kéo dài chân là phương pháp giúp con người có thể tăng chiều cao trung bình từ 5 – 10cm.

Tuy nhiên, người thực hiện kéo chân cũng cần lưu ý đến những biến chứng sau phẫu thuật như: Chảy máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng chân đinh, co ngắn gân gót,…

“Nếu chúng ta không quá thấp hoặc gặp vấn đề về hai chân lệch nhau thì không nên thực hiện phẫu thuật kéo dài chân, chỉ cần chú ý đến dinh dưỡng, vận động hàng ngày để đảm bảo duy trì sức khoẻ tốt” – Ths. BS Lê Thị Hải đưa lời khuyên.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Văn Đoàn – Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – cho hay, chỉ định kéo dài chân thường chỉ đối với những người có tầm vóc thấp, lùn (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật.

Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao chân thấp chênh lệch không quá 3cm. Với mức độ chênh lệch ít thì có thể điều chỉnh bằng độn thêm đế giày dép đơn giản và dễ dàng hơn. Về độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân, thì lứa tuổi từ 20-30 tuổi là tốt nhất, vì lúc đó chiều cao cơ thể đã hoàn thiện. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài.

“Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới.

Do đó cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài”, PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết.