TPHCM hiện có 57 phường, xã và 16 quận, huyện đã ghi nhận ca mắc sởi, 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh sởi trở lên, 3 trường hợp bệnh nhi đã tử vong.
Tính đến ngày 12/8, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã tiếp nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi, theo thông tin từ bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC).
Thông tin này được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến để rà soát và triển khai công tác phòng chống, kiểm soát bệnh sởi trên địa bàn TPHCM, diễn ra chiều cùng ngày.
Trong số 597 ca, 317 ca có địa chỉ tại TPHCM. Có 346 ca xét nghiệm dương tính với bệnh sởi (trong đó tại TPHCM là 153 ca, chiếm hơn 50%). Đáng chú ý, 3 trường hợp bệnh nhi đã tử vong.
Có 57 phường, xã và 16 quận, huyện ở TPHCM đã ghi nhận ca mắc sởi, 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh sởi trở lên. Trong khi đó, từ năm 2021 đến 2023, TPHCM chỉ ghi nhận một trường hợp bệnh sởi.
Về độ tuổi, 25% ca bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng), 24% là trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tháng, 6% là trẻ từ 18 tháng tuổi đến dưới 2 tuổi và 18% ca bệnh là trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi.
Đáng chú ý, 73% trẻ nhiễm bệnh dù đã đủ tuổi tiêm nhưng hoàn toàn chưa có mũi vaccine sởi nào, số còn lại không rõ tiền sử tiêm.
Bác sĩ Lê Hồng Nga nhấn mạnh, tiêm chủng là cách phòng bệnh sởi chủ yếu. Vaccine sởi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng rất sớm, nhưng tỷ lệ tiêm sởi mũi 1 tại TPHCM mới đạt hơn 89%.
Nhiều quận, huyện thậm chí có 4 năm liên tiếp chưa đạt tỷ lệ tiêm vaccine sởi mũi 2 theo yêu cầu (95%). Vì vậy, bà Nga đề nghị các quận, huyện tăng cường tiêm chủng phòng chống dịch theo chỉ đạo của ngành y tế.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết sởi là dịch bệnh lưu hành. Theo quy định mới, có 9 quận ở TPHCM đủ điều kiện công bố dịch sởi. Ngành y tế đã tham mưu UBND TPHCM thực hiện điều này.
Ông Thượng chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai ngay giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi, bao gồm tiêm vét, tiêm bù cho trẻ và cả tiêm cho nhân viên y tế, người thân bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ.
Bên cạnh đó, ngành y tế cần triển khai ngay các giải pháp để bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc bệnh sởi, nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM giao Thanh tra Sở Y tế chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những cá nhân chống vaccine sởi. “Ngành y tế đã mời các chuyên gia tuyên truyền lợi ích của vaccine sởi. Nhưng đến lúc cũng phải đưa ra trách nhiệm về tuyên truyền sai để xử lý”, Phó giáo sư Tăng Chí Thượng nói.
Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm
Theo Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-BYT của Bộ Y tế ngày 20/11/2023, việc công bố dịch đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A được thực hiện khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và C, một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 3 năm gần nhất.
Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007), sởi được xếp vào nhóm B cùng với sốt xuất huyết, tay chân miệng – là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.
Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, với lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế gồm: mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Bộ Y tế Việt Nam quy định tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi đều phải được báo cáo và lấy mẫu làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.