Bốn năm không đòi được nhà cho mượn
Những ngày đầu tháng 8/2024, PV Báo Giao thông có mặt tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An (đóng ở phường Hà Huy Tập, TP Vinh). Theo ghi nhận, nhà trường đang triển khai xây dựng khu ký túc xá cho học sinh.
Dù đã về hưu từ năm 2009 nhưng thầy Nguyễn Đức Cảnh vẫn không trả lại nhà tập thể cho Trường THPT Hà Huy Tập.
Tuy nhiên, trong khi một dãy nhà đã xây dựng được nhiều tầng thì ở phía sau, tiếp giáp với mặt đường Kênh Bắc, dự án vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do vẫn còn một hộ chưa trả lại nhà tập thể mượn của trường trước đây.
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An thành lập từ năm 1984 và được tỉnh cấp đất ở vị trí hiện tại. Năm 2005, các phòng của 2 dãy nhà tập thể trước đó bị đập bỏ để xây dựng nhà ăn cho học sinh, chỉ còn lại 3 gian phòng. Năm 2006, sau khi nhà ăn xây dựng xong, nhận thấy còn nhiều giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo nhà trường đã họp xét cho 3 hộ giáo viên được ở tại 3 gian phòng sót lại.
Ngoài ra, còn có 2 giáo viên khác là thầy Nguyễn Văn Kỳ và cô Sầm Thị Sơn được nhà trường cho mượn khoảnh đất trống ngay cạnh, để xây nhà.
Năm 2019, nhà trường đã xin nguồn vốn để xây dựng ký túc xá cho học sinh. Cùng năm, trường đã làm việc với các hộ gia đình mượn nhà tập thể, đề nghị di chuyển trong vòng một năm như đã cam kết. Lúc đó, một hộ không có ý kiến, các hộ còn lại xin thời hạn ba năm để di chuyển.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, dự án ký túc xá được khởi công, nhưng 5 hộ gia đình vẫn không chịu bàn giao mặt bằng. Sau hàng trăm cuộc làm việc và vận động, đến nay có 4 hộ đã chuyển đi, hiện còn hộ thầy Nguyễn Văn Kỳ.
Kỳ lạ đất mượn vẫn được cấp sổ đỏ
Cách đó không xa, Ban giám hiệu trường THPT Hà Huy Tập (phường Lê Lợi, TP Vinh) cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì cựu giáo viên của trường mượn nhà tập thể nhưng không chịu trả. Cũng như ở trường nội trú, căn nhà tập thể ở trường Hà Huy Tập có vị trí rất đẹp, mặt tiền đường Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2003, trường THPT Hà Huy Tập xây dựng 11 gian phòng tập thể trong khuôn viên nhà trường cho các giáo viên sử dụng. Diện tích một phòng khoảng 40m2. Thầy Nguyễn Đức Cảnh được bố trí ở gian phòng đầu tiên, giáp với bờ rào cạnh đường Nguyễn Đình Chiểu.
Năm 2009, ông Cảnh về hưu nhưng vẫn được nhà trường tạo điều kiện, tiếp tục ở lại căn nhà tập thể này. Hiện tại, diện tích ngôi nhà lên đến gần trăm m2, trong đó phần mặt bám đường Nguyễn Đình Chiểu lên đến hơn 10m. Thời gian qua, trường có nhu cầu xây nhà để xe cho học sinh nên muốn giải tỏa căn tập thể này, nhưng ông Cảnh chưa bàn giao.
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở TP Vinh mà còn ở nhiều địa phương khác. Điển hình như tại trường Trường Tiểu học Phú Sơn (xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ) cho bảo vệ mượn 20m2 đất trong khuôn viên. Sau đó mảnh đất này được chuyển cho con trai người bảo vệ.
Thế nhưng, hiện diện tích nhà, công trình phụ và ki ốt kinh doanh đã lên đến 156m2, chưa kể 61m2 đã được đền bù trong dự án kênh mương và đường giao thông trước đó.
Hay như trường THPT Đô Lương 1 (xã Đà Sơn, huyện Đô Lương) cho ông Nguyễn Văn Vinh mượn bốt bảo vệ tại khu vực cổng phụ để bán nước mía, vừa tranh thủ gác cổng. Điều kỳ lạ là đến nay mảnh đất này đã được cấp bìa đỏ rộng 63m2. Chưa hết, thực tế thửa đất này có diện tích không dưới 100m2.
Cũng như hai trường hợp ở TP Vinh, các mảnh đất bị cá nhân chiếm ở Tân Kỳ và Đô Lương đều có vị trí rất đẹp: Bám mặt tiền đường lớn, ở ngã ba nên giá trị đất lớn, sinh lợi cao…
Phối hợp đòi đất
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, Sở sẵn sàng phối hợp với nhà trường và các địa phương để lấy lại đất. Như tại trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, sau khi nắm được thông tin, Sở đã thành lập tổ công tác xuống tuyên truyền, vận động. Hiện vụ việc đã đưa ra toà nên phải chờ phán quyết cuối cùng.
Tòa ký túc xá phía sau của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An chưa thể triển khai vì còn 1 hộ gia đình chưa trả lại đất cho nhà trường.
Theo ông Hoàn, nhiều tháng nay, gần 800 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An phải sống chen chúc trong những phòng ký túc xá tạm. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc ăn ở và học tập của các em.
“Trong khi đó, nếu dự án ký túc xá không triển khai kịp, có nguy cơ bị thu hồi vốn. Lúc đó không chỉ học sinh mà cả nhà trường cũng bị ảnh hưởng. Rất mong các thầy cô, người liên quan trước đây lúc khó khăn được trường giúp đỡ nên sớm trả lại cho nhà trường”, ông Hoàn nói.
Về trường hợp Trường tiểu học Phú Sơn, một lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho biết, huyện đang giao các phòng ban liên quan, phối hợp với xã Phú Sơn xử lý, trả lại đất cho trường.
“Đây là đất của trường, phải trả lại cho trường, không cá nhân nào được sở hữu. Có thể phải hỗ trợ gia đình những tài sản đã xây dựng, còn đất thì nhất quyết phải trả lại. Việc xã và trường cắt đất cho bảo vệ trước đất là trái thẩm quyền. Trong quá trình xử lý, trước đây ai sai thì người đó phải chịu trách nhiệm”, vị này nói.