Nhóm doanh nhân, golfer đ:ánh b:ạc tại khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc lĩnh án ra sao?
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô và các cơ quan truyền thông đã đưa tin, vụ án hàng chục golfer, doanh nhân đánh bạc bằng hình thức đánh poker trong phòng khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, xảy ra vào tháng 3/2023. Được biết, tháng 12/2023, theo kế hoạch, TAND TP HCM đưa ra xét xử vụ án này nhưng sau đó phiên xử bị hoãn không rõ lý do.
Hiện nay, thông tin xét xử vụ án hàng chục golfer, doanh nhân đánh bạc trong phòng khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đang được dư luận quan tâm, xem họ đã bị pháp luật xử lý như thế nào. Tuy nhiên, trên các trong thông tin truyền thông cũng không đưa thêm thông tin gì về quá trình xét xử cũng như bản án của vụ án này.
Trước đó, cuối tháng 10, đầu tháng 11/2023, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án. Quá trình mở rộng điều tra, cơ quan công an đã làm rõ thêm hành vi phạm tội của một số đối tượng tại TP HCM.
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, đối tượng Trần Anh Linh (Giám đốc Công ty Trần Lê Gia, trụ sở ở quận Tân Bình, TP HCM), Nguyễn Quang Nhân (doanh nhân), Lê Hùng Nam, Trần Thanh Tú (cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam) và hơn 30 bị can khác bị truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc” và “Đánh bạc”. Các bị can trong vụ án đa phần là golfer, doanh nhân.
Nhóm golfer, doanh nhân đánh bạc bị bắt quả tang tại Vĩnh Phúc. |
Theo hồ sơ, Hiệp hội golf Việt Nam dự kiến tổ chức giải giữa đội tuyển Golf miền Bắc với đội tuyển Golf miền Nam tại tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 23/3 đến 25/3/2023. Lợi dụng tham gia giải này, Trần Anh Linh (Đội phó đội tuyển golf miền Nam) đã rủ nhiều người trong đội tuyển hai miền tập trung tại Vĩnh Phúc trước ngày giải bắt đầu để đánh bạc.
Trước thời điểm tổ chức giải khoảng một tuần, Linh nhờ Nguyễn Ngọc Anh Thư (thư ký của Hiệp hội golf miền Nam) liên hệ, sắp xếp đặt 31 phòng tại khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc để có chỗ ở cho các thành viên đoàn golf miền Nam tham gia thi đấu.
Trong đó có phòng 550 được thuê từ ngày 19/3 để sử dụng làm nơi sinh hoạt chung và nhóm golfer đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức chơi poker. Đồng thời, Linh liên hệ Nguyễn Thị Thu Kiều (SN 1994, TP HCM) tìm thêm người phục vụ chia bài, chuẩn bị bài, thảm nệm, phỉnh… trả công 800.000 đồng/giờ/bàn và tất cả các chi phí đi lại, ăn ở.
Kiều sau đó lôi kéo Trần Thanh Thủy (SN 1996, TP HCM), Phan Thị Huỳnh Như (SN 1999, An Giang), Trần Thị Ngọc Minh (SN 1998, Bến Tre) cùng tham gia và đến khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc vào chiều 19/3. Đến đêm 20/3, tổ công tác của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang 18 golfer đánh bạc tại khách sạn.
Cuộc sát phạt bắt đầu từ lúc hơn 20h cùng ngày và đến 23h45 thì công an ập vào bắt quả tang. Sòng bạc trong khách sạn được tổ chức như một “casino thu nhỏ” chia ra làm 2 bàn, ngoài những người chơi còn có 4 nữ nhân viên thay nhau chia bài.
Nguyễn Thị Thu Kiều, Trần Thanh Thuỷ, Phan Thị Huỳnh Như, Trần Thị Ngọc Minh đang tổ chức chia bài cho 18 đối tượng đánh bạc dưới hình thức chơi poker tại 2 bàn trong phòng 550, khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc.
Vật chứng thu giữ gồm 4,6 triệu điểm phỉnh tương đương số tiền các đối tượng dùng để đánh bạc là 4,6 tỷ đồng và 1 vali bên trong đựng nhiều dụng cụ phục vụ việc đánh bạc.
Mở rộng điều tra, cơ quan điều tra xác định từ đầu tháng 3 đến ngày 20/3/2023, Trần Anh Linh, Nguyễn Quang Nhân và các đồng phạm đã tổ chức cho nhiều người chơi poker ăn tiền tại khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc; nhà số 42/2 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM và tại chung cư Sky Center, quận Tân Bình, TP HCM.
Cơ quan điều tra xác định, Trần Anh Linh có vai trò chủ mưu, cầm đầu đã tổ chức đánh bạc 3 lần với số tiền trên chiếu bạc thấp nhất là 1,6 tỷ đồng, cao nhất gần 3 tỷ đồng nhưng Linh chưa hưởng lợi. Ngoài ra, Linh còn nhiều lần tham gia đánh bạc, trong đó số tiền đánh bạc thấp nhất là 100 triệu đồng, cao nhất là 400 triệu đồng, hưởng lợi 13 triệu đồng.
Ông Lê Hùng Nam khi chưa bị bắt (Ảnh: VOV) |
Còn Nguyễn Quang Nhân đã 4 lần sử dụng văn phòng công ty của mình để tổ chức đánh bạc, số tiền trên chiếu bạc thấp nhất là 2,3 tỷ đồng, cao nhất là 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhân đã 5 lần tham gia đánh bạc với số tiền đánh bạc cao nhất là 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Thanh Tú, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Golf TP HCM được xác định đã tham gia đánh bạc 3 lần. Trong đó, số tiền để đánh bạc thấp nhất là 100 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng. Tổng số tiền mà ông Tú thắng là 222 triệu đồng, hưởng lợi 165 triệu đồng.
Còn ông Lê Hùng Nam, thời điểm đó là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam được xác định đã dùng 200 triệu đồng để đánh bạc tại khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc và thua 134 triệu đồng.
Ngoài ra, trong số những người bị bắt quả tang tại khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc có một quân nhân công tác tại Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng nên cơ quan điều tra đã tách hành vi của quân nhân này và chuyển vụ án đến Cơ quan điều tra hình sự khu vực 1 Cục Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra theo thẩm quyền.
Theo kết luận của cơ quan tố tụng, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến trật tự công cộng, nếp sống văn minh của xã hội, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội.
Các bị can đều là người trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi đánh bạc là vi phạm pháp luật nhưng do hám lợi nên bất chấp pháp luật, cố ý thực hiện.
Nhận định về tính chất pháp lý vụ án này, luật sư Phan Thị Lam Hồng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tội đánh bạc là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.
Về hình thức quan hệ cờ bạc (liên hệ cờ bạc giữa những người đánh bạc với nhau), thì có thể có: Nhiều người cùng đánh bạc với nhau (như chơi tá lả, tam cúc, tổ tôm, xóc đĩa…); Một người đánh bạc với nhiều người (như chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…). Dù dưới hình thức nào, thì “giá trị tiền hay hiện vật mà những người đánh bạc được thua” có ý nghĩa rất lớn đối với việc định tội danh và định khung hình phạt.
Theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 120 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) về tội đánh bạc như sau:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.
Theo đó, người đánh bạc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đó là đánh bạc trái phép (dưới bất kỳ hình thức nào), được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015 hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, trường hợp này người đánh bạc có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì người đánh bạc trái phép có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm:
– Có tính chất chuyên nghiệp;
– Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;
– Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để đánh bạc;
– Tái phạm nguy hiểm.
Người đánh bạc trái phép còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Đối với tội tổ chức đánh bạc: Đây là hành vi tập hợp, rủ rê, lôi kéo nhiều người (từ 2 người trở lên) tham gia vào việc đánh bạc. Theo đó, người đứng ra tổ chức thông thường sẽ có sự chuẩn bị, bàn bạc, sắp xếp kế hoạch đánh bạc rồi mới tập hợp, rủ rê những người khác tham gia.
Điều 322, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định như sau:
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tổ chức cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc tổ chức 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
b) Sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để cho 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên hoặc cho 02 chiếu bạc trở lên trong cùng một lúc mà tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trị giá 5.000.000 đồng trở lên;
c) Tổng số tiền, hiện vật dùng đánh bạc trong cùng 1 lần trị giá 20.000.000 đồng trở lên;
d) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc hoặc phân công người canh gác, người phục vụ khi đánh bạc; sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện để trợ giúp cho việc đánh bạc;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc hành vi quy định tại Điều 321 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 321 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Thời điểm tháng 11/2023, trong số các bị can bị truy tố trong vụ án có 2 cựu Phó Chủ tịch Hiệp hội Golf là Lê Hùng Nam (SN 1974, ở Hà Nội) và Trần Thanh Tú (SN 1969, ở TP HCM).
Các bị can khác gồm có: Ông Thái Tấn Dũng (SN 1968), từng là chủ một doanh nghiệp kinh doanh vải lụa; Huỳnh Quang Đức (SN 1979), Giám đốc Bảo hiểm PVI Sài Gòn; Đặng Đình Hậu (SN 1973), cựu thành viên Hội đồng quản trị VGS Group; Nguyễn Công Đức (SN 1987), doanh nhân về công nghệ thông tin; Nguyễn Hồng Thái (SN 1973), doanh nhân tại Hà Nội; Ngô Hữu Tiệp (SN 1983, trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội); Nguyễn Tuấn Việt (SN 1979, trú quận Đống Đa, TP Hà Nội); Diều Chí Hảo (SN 1975, trú quận Tân Phú, TP HCM); Trần Quyết Thắng (SN 1972, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); Lê Tuấn Việt (SN 1970, trú quận Đống Đa, TP Hà Nội); Nguyễn Mộng Liêm (SN 1980, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội); Lê Hồng Nhân (SN 1988, trú quận Hà Đông, TP Hà Nội); Nguyễn Nhật Trường (SN 1983, trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội); Nguyễn Hữu Huân (SN 1984, trú TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang); Võ Ngọc Hường (SN 1973, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). Trong đó, có 5 người bị đề nghị truy tố về tội “Tổ chức đánh bạc” gồm: Trần Anh Linh (SN 1976), Giám đốc Công ty Trần Lê Gia; Trần Thị Ngọc Minh (SN 1998, ở Bến Tre); Trần Thị Thanh Thủy (SN 1996, ở TP HCM); Phan Thị Huỳnh Như (SN 1999, ở An Giang) và Nguyễn Thị Thu Kiều (SN 1994, ở TP HCM). Còn 32 bị can phần lớn là những gofler, doanh nhân cùng bị đề nghị truy tố tội “Đánh bạc”. |