Khu vực ven đê sông Đuống, đoạn chân cầu Bình Than là đất nông nghiệp hiện có trạm trộn bê tông đang hoạt động. Địa điểm đặt trạm trộn bê tông nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, hồ sơ cấp phép đã hoàn thành đến 90%’.
Đó là thông tin được ông Vũ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) xác nhận với PV Tiền Phong về một số công trình đang tồn tại trên đất nông nghiệp ven đê sông Đuống (chân cầu Bình Than) đoạn thuộc xã Vạn Ninh.
Theo ông Quang, mới đây Đoàn công tác của Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh (Sở NN&PTNT) đã về làm việc với địa phương để xác minh vấn đề này. Kết quả rà soát cho thấy, có trường hợp đang sản xuất, kinh doanh trên đất nông nghiệp ngoài đê sông Đuống, chủ yếu thuộc thôn Cao Thọ và Chính Thượng với tổng diện tích khoảng 74.000m2. Ví như, trạm trộn bê tông của Công ty cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng HNT Thăng Long (Công ty HNT Thăng Long), trang trại chăn nuôi lợn…
Diện tích đất nông nghiệp trên đã được chính quyền địa phương giao cho người dân (đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để sử dụng lâu dài. Tất cả các đơn vị đang hoạt động, sản xuất trên diện tích đất này đều có hợp đồng thuê đất của người dân địa phương.
Trạm trộn bê tông và trang trại chăn nuôi lợn trên đất nông nghiệp ven đê sông Đuống đoạn thuộc xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình.
Theo ông Quang, khoảng hơn chục năm trước, khu vực này không thể trồng trọt, sản xuất nông nghiệp được. Bởi lẽ, những năm 2000 người người dân đã tự ý hạ cốt nền đất, làm lò gạch thủ công. Đến năm 2008-2009, khi lò gạch thủ công bị cấm thì khu vực này là những ao, chuôm, cùng với phế thải vật liệu sản xuất gạch.
Khi xây dựng cầu Bình Than, một trạm trộn bê tông được đặt tạm tại khu đất này để phục vụ dự án. Năm 2016, sau khi cầu hoàn thành, trạm trộn bê tông ngừng hoạt động. Thời điểm đó, khu đất này không thể sản xuất nông nghiệp được do ảnh hưởng của nước xi măng, đất, đá lẫn lộn…người dân đành để hoang.
Lúc này, một số tổ chức, cá nhân đã thuê đất của người dân để cải tạo, phục vụ sản xuất. Theo đó, có chủ đầu tư đã thuê máy múc đất, xử lý mặt bằng để trồng trọt, có chủ đầu tư thì xây dựng trang trại chăn nuôi lợn.
Đối với trạm trộn bê tông, của Công ty HNT Thăng Long, được lắp đặt từ năm 2017 tại khu vực trạm trộn bê tông cũ. Trạm bê tông này cung cấp bê tông tươi cho dự án cải tạo, nâng cấp đê hữu sông Đuống, Khu công nghiệp Gia Bình 2 và phục vụ nhu cầu xây dựng của nhân dân.
Công ty đã xin ý kiến chính quyền địa phương, từ Chi bộ thôn, Đảng ủy xã, các Sở, ngành, ông Quang thông tin. “Các đơn vị này ở xa khu dân cư nên không ảnh hưởng tới người dân. Đến nay, UBND xã cũng chưa nhận được đơn thư khiếu nại gì”, ông Quang nói.
Dự án chờ được cấp phép
Được biết, khu đất đặt trạm trộn bê tông nằm trong quy hoạch khu vực khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và vật liệu xây dựng đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt năm 2018. Công ty HNT Thăng Long cũng đã lập hồ sơ dự án, xin phép cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh. Hiện hồ sơ cấp phép dự án của doanh nghiệp đã hoàn thành đến 90%. Dù vậy, đến nay doanh nghiệp chưa được cấp phép dự án nhưng đã hoạt động cũng là sai, ông Vũ Văn Quang thừa nhận.
Ông Hoàng Ngọc Huyên, Giám đốc Công ty HNT Thăng Long cho biết, thời gian qua công ty đã thực hiện các bước xin cấp phép dự án theo quy định. Cụ thể, công ty đã xin ý kiến từ thôn, UBND xã Vạn Ninh và UBND huyện Gia Bình cũng đã có văn bản đồng ý với địa điểm dự án.
Sở TN&MT sau khi xin ý kiến các sở, ngành liên quan cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận cho công ty lập Dự án “Đầu tư xây dựng bãi tập kết cát sỏi lòng sông và sản xuất vật liệu xây dựng” tại khu đất tại Km 51 đến km51+200 đê hữu Đuống, xã Vạn Ninh. Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý, Sở KH&ĐT sẽ hướng dẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Ông Vũ Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh đề nghị, cơ quan chức năng xem xét, sớm cấp phép để doanh nghiệp yên tâm sản xuất xuất, kinh doanh. Đồng thời, để chính quyền địa phương thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng.
Ông Nguyễn Chí Hải, đại diện trang trại chăn nuôi lợn cũng mong muốn, các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ người dân, đồng thời, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Thanh Hiếu