Những ngày giữa tháng 8, thời tiết cuối hạ “sáng nắng, chiều mưa, trưa oi bức” như phép thử với sức bền và ý chí của những kỹ sư công nhân xây dựng tại nút giao cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Giữa công trường không một bóng mát, các kỹ sư công nhân vẫn cần mẫn điều khiển máy múc, máy san, đào xúc đất cho xe vận chuyển đưa đi.
Kỹ sư Hồ Minh Hạnh, chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Vinaconex, cho biết: Từ ngày 17/7, sau khi 2 tuyến đường gom hoàn thành và được sự cho phép của Bộ GTVT, chúng tôi đã phân luồng cho xe trên cao tốc đi theo đường nhánh với vận tốc hạn chế 60km/h. Phần đường tuyến chính cũng đã được rào chắn, bố trí hệ thống cảnh báo để thi công hầm chui. Đây là bước chuyển quan trọng của dự án.
Hiện nay, chúng tôi đang cho đào nền để làm móng hầm với chiều sâu nền đào trung bình là âm 3 – 7m so với đường hiện trạng. Tổng chiều dài đoạn đường đào là 1,2km (tính cả 2 chiều đường)”.
Theo ghi nhận của PV, ở những nơi đã đạt đủ chiều sâu, các kỹ sư công nhân lại đưa máy nén, cọc bê tông cốt thép ra ép cọc móng.
“Theo thiết kế phần móng hầm, tường chắn, được chống lún bằng hệ thống cọc bê tông cốt thép kích thước 400x400mm, độ sâu mỗi tim cọc từ 35 – 45m (tuỳ vị trí) và phải đạt mức chịu tải 300 tấn trên mỗi đầu cọc”, kỹ sư Hạnh thông tin thêm.
Giai đoạn này, hai nhà thầu là Vinaconex và Trung Chính đang tiến hành đúc, ép thí nghiệm 66 cọc. Khi các cọc đúc và máy ép đảm bảo tất cả các thông số theo thiết kế, chủ đầu tư, tư vấn sẽ cho nhà thầu tiến hành đúc ép đại trà.
“Tổng số đầu cọc phải ép trước khi làm đáy hầm là 2.100 vị trí cọc. Hiện hai đơn vị đã huy động 4 máy ép cọc và sắp tới sẽ huy động thêm gấp đôi số máy ép để rút ngắn tiến độ ở công đoạn này. Trên công trường, hai đơn vị duy trì 80 kỹ sư công nhân, cùng hơn 50 đầu phương tiện thiết bị, làm việc liên tục 3 ca.
Kỹ sư Đặng Xuân Đại, chỉ huy trưởng của nhà thầu Trung Chính cho biết: Khó khăn nhất lúc này là đường vận chuyển. Do đặc thù cao tốc, nên đất đào từ bóc nền tuyến chính chuyển qua đắp đường dẫn thuộc đường song hành Vành đai 5 (chỉ cách nhau khoảng 300m), nhưng xe vận chuyển phải đi vòng tới 17-18km theo 2 nút giao hiện hữu là nút Liêm Tuyền và nút Vực Vòng.
Để giảm thời gian vận chuyển, nâng cao hiệu quả công việc, chúng tôi đang kiến nghị với UBND tỉnh Hà Nam và Công an TP Phủ Lý cho mượn đường nội thị để xe di chuyển. Nếu phương án này được chấp thuận, thời gian thi công công đoạn này sẽ giảm 1/3 so với hiện nay.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng liên danh 2 nhà thầu vẫn đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
Nói thêm về những trở ngại, liên danh nhà thầu đang gặp phải, kỹ sư Hạnh cho biết: Trở ngại thứ nhất là công địa chật hẹp, chỉ gói gọn trong phạm vi nền đường cũ dài gần 1km, xe máy di chuyển khó khăn, công nhân phải đi bằng cầu vượt tạm.
Thứ 2 là thời tiết mưa nắng thất thường. Tuy giai đoạn này các hạng mục không phụ thuộc nhiều vào thời tiết nữa nhưng việc mưa nắng thất thường làm đội ngũ kỹ sư, công nhân lao động ngoài trời nhanh mất sức và dễ bị ốm.
Thứ 3 là vật liệu đắt đỏ: Hiện không chỉ giá cát, mà giá đá trong khu vực cũng đã tăng, vượt từ 30 – 50% so với giá dự toán. Việc này làm nhà thầu bị lỗ nặng. Như năm 2023, giá vật liệu cao làm chúng tôi bị âm tới 1% so với tổng sản lượng thi công.
Vượt lên những khó khăn, “đến nay, sản lượng cả 2 đơn vị thi công đã trên 400 tỷ đồng, tương đương 30% dự toán. Dự kiến chúng tôi sẽ đưa công trình về đích vào tháng 8/2025, rút ngắn 4 tháng về tiến độ. Dự án này cũng sẽ là một trong những công trình trọng điểm được hoàn thành chào mừng ngày Quốc khánh 2/9 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XXI”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho hay.