“Mệt chứ, nhưng tôi vui lắm, tinh thần đang lên rất cao vì có thể góp sức vào công cuộc cứu trợ bà con vùng lũ”, khoảng 21h ngày 10/9, tranh thủ sau khi ăn uống tắm rửa sau một ngày dài, bà Nguyễn Thị Lý (sinh năm 1968) bày tỏ với Tri Thức – Znews.
Bà Lý làm nghề chèo đò chở khách tại chùa Hương, hiện là một trong những “tài xế” giúp lực lượng chức năng, các đoàn thiện nguyện điều khiển đò tiếp cận các khu dân cư bị cô lập do nước lũ ở Thái Nguyên.
Trên mạng xã hội ngày 10/9, loạt hình ảnh về bà Lý được nhiều fanpage đồng loạt chia sẻ và bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần hăng hái, dũng cảm của người phụ nữ 56 tuổi. Bà Lý hiện cũng là người lái đò nữ duy nhất trong số các đoàn tình nguyện tới Thái Nguyên tiếp sức bên cạnh nhiều nam giới.
Cô lái đò 40 năm kinh nghiệm
Gắn bó với công việc chở khách ở chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) từ những năm 80, bà Lý là một trong những tay chèo đò lão luyện ở khu tham quan này. Gia đình bà cũng kinh doanh dịch vụ đò chở khách.
Mấy ngày nay, khi theo dõi những tin tức về sự khắc nghiệt của bão lũ các tỉnh miền núi phía Bắc, lòng bà Lý như có lửa đốt.
Chiều 9/9, gia đình bà cùng gia đình một người anh em bàn nhau gửi đò đi Thái Nguyên hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. Chị Nguyễn Thị Hằng (con gái bà Lý) livestream trên trang cá nhân và kêu gọi quyên góp thêm áo phao, nhu yếu phẩm.
“Thấy mọi người bắt đầu chuyển đò, tôi càng sốt ruột, muốn được góp sức. Tôi nảy ra ý tưởng theo chân đoàn tình nguyện, phụ lái đò một tay bởi đò chùa Hương khá khó sử dụng, không phải ai cũng biết chèo, chưa kể trong thời tiết bất lợi”, bà Lý kể.
Nghĩ là làm, khoảng 20h, mặc trời mưa to, bà chuẩn bị ít đồ dùng cá nhân, quần áo rồi lén gia đình đi theo một đoàn chở đò đi Thái Nguyên. Đến nơi lúc 2h sáng, bà chỉ kịp nghỉ ngơi ít giờ rồi bắt tay vào việc lúc 6h30.
“Vì đi đột xuất, tôi chưa ghi danh với đoàn cứu trợ nào hay đăng ký với công an địa phương. May mắn gặp được một đoàn lớn của người phụ nữ tên Yến, tôi xung phong lái đò giúp để mọi người cùng lực lượng chức năng phân phát đồ luôn”, bà cho biết.
So với cung đường bà quen thuộc ở chùa Hương, dòng nước lũ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm kèm dị vật, rác thải chắc chắn thử thách hơn. Song, bà Lý không nao núng, khéo léo điều khiển đò tránh các dòng nước mạnh hay cây cối gãy đổ, đến gần nhất từng nhà dân để 5, 6 người trên đò phát đồ ăn, nhu yếu phẩm.
“Nói chung tôi cũng có kinh nghiệm nhiều năm, lại quen thuộc loại đò nên xoay xở được, cứ lựa theo dòng nước thôi. Lâu lâu lại được mọi người khen, cảm thán chèo giỏi, tôi cũng rất vui vì chứng tỏ được bản thân có ích”.
Không chỉ giúp lái đò chở đồ cứu trợ, bà Lý còn vận chuyển người cần kíp. Khoảng 11h30 ngày 10/9, một thai phụ địa phương vỡ ối, sắp sinh. Bà Lý nhanh chóng lái đò đưa này đến trạm y tế xã kịp thời, giúp cô an toàn sinh con. Chiều cùng ngày, hoạt động đành tạm dừng do mưa lớn.
“Lên đây mới thấy bà con quá vất vả, khổ gấp mình hàng nghìn lần. Trong ngày 11/9, nếu nước ở các khu vực tại Thái Nguyên bắt đầu rút, tôi sẽ theo đoàn đi Tuyên Quang để tiếp sức, khi nào không thể giúp được gì nữa thì thôi”, bà chia sẻ.
Gia đình là hậu phương vững chắc
Kể về mẹ với giọng tự hào xen chút “bất lực”, chị Hằng (sinh năm 1990, con gái lớn bà Lý) cho biết nhiều năm nay, bà thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện và nhiều lần được vinh danh, khen thưởng.
Ngoài kinh doanh dịch vụ chở khách, gia đình còn làm đậu phụ bán. Bà Lý thường đem đậu đến ủng hộ tại các trại trẻ mồ côi, trung tâm bảo trợ. Thời điểm dịch Covid-19, vợ chồng bà cũng làm đậu gửi tặng các khu vực bị cách ly.
Tối 9/9, bà không nói với gia đình việc tới Thái Nguyên tình nguyện. Mãi đến khi gần tới nơi, bà mới gọi điện báo tin.
“Mấy bố con bất ngờ, không nghĩ mẹ quyết đi nhanh như vậy. Chắc bà lo nếu bàn trước, chồng con sợ nguy hiểm sẽ can ngăn”, chị nói. Dù lo lắng, song gia đình cũng tin vào kinh nghiệm của bà Lý, và biết bà cũng tự tin nên mới xung phong như vậy.
Ngày 10/9, trong khi bà chở một thai phụ đi sinh, người con gái út của bà ở nhà cũng trở dạ. Bà chỉ kịp gọi điện thoại về hỏi thăm, nắm được tin an toàn của con rồi lại tiếp tục công việc.
“Đôi lúc tranh thủ, mẹ ghi lại được một số hình ảnh trong chuyến đi rồi chia sẻ trên trang cá nhân nên tôi xem được cũng yên tâm phần nào. Lúc tôi gọi, bà bảo mệt, nhưng giọng vẫn hào sảng, phấn chấn lắm vì giúp đỡ được mọi người. Tôi rất tự hào về mẹ. Trong ngày 11/9, nếu gửi được con nhỏ, vợ chồng tôi cũng sẽ tới Lào Cai hỗ trợ”, chị Hằng cho hay.