Đề xuất giảm giờ làm để tìm bạn đời, lao động trẻ ở Hải Dương nói gì?

Đề xuất về điều chỉnh thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình đã và đang thu hút sự quan tâm, tranh luận của các bạn trẻ.

 

img_6196.jpeg
Nhiều lao động trẻ quan tâm đến những chính sách về thời gian làm việc (ảnh minh họa)

Chưa có thời gian để tìm kiếm bạn đời

Tại hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vừa qua, đại biểu Quốc hội khóa XV Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề xuất thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để mỗi người có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và theo đuổi sở thích riêng. Đại biểu cũng nêu thực tế, nhiều người lao động làm việc 10-12 giờ mỗi ngày, không có thời gian quan hệ bạn bè, chăm sóc gia đình…

Đề xuất này ngay sau đó đã nhận được sự quan tâm, phản hồi, tranh luận của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ, chưa kết hôn.

Chị Hà Minh T. (27 tuổi) quê ở huyện Ninh Giang, đang làm việc tại khu công nghiệp Lai Vu (Kim Thành). Hằng ngày, chị đi làm từ 7 giờ sáng và nhiều hôm tăng ca đến tận 22 giờ khuya. Công việc quá bận rộn, tại xưởng may đa phần là nữ giới, ít được sử dụng điện thoại trong giờ làm nên chị T. hiện vẫn độc thân. Ngày nào được tan ca sớm, chị về quanh quẩn trong phòng trọ nấu nướng, ăn uống và nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi. Cuối tuần được nghỉ, chị lại tranh thủ về quê với bố mẹ, dành thời gian cho gia đình. “Vì công việc quá bận nên tôi không có nhiều thời gian suy nghĩ đến chuyện hẹn hò hay tìm hiểu người khác”, chị T. nói.

img_5722.jpeg
Nếu đề xuất giảm giờ làm cho người lao động được thực hiện, chị T. sẽ dành thời gian ưu tiên cho bản thân, sau đó mới sẵn sàng bước vào một mối quan hệ (ảnh nhân vật cung cấp)

Nếu đề xuất giảm giờ làm cho người lao động được thực thi, chị T. sẽ dành thời gian ưu tiên cho bản thân như đọc sách, đi du lịch, khám phá thêm nhiều điều mới mẻ, gặp gỡ bạn bè… những điều mà trước đây vì thời gian làm việc quá nhiều chị chưa thực hiện được. Bởi theo chị, phải có thời gian chăm sóc và yêu bản thân trước thì mới có thể sẵn sàng tìm hiểu, bước vào một mối quan hệ và yêu thương, chăm sóc người khác.

Anh Bùi Quang Thắng (ở TP Hải Dương) năm nay 31 tuổi vẫn chưa lập gia đình. Một trong những lý do được anh Thắng chia sẻ là do bận rộn với công việc, không có quỹ thời gian. Theo anh Thắng, 3 yếu tố để tiến tới hôn nhân là thời gian, kinh tế, con người. Ở độ tuổi ngoài 30, anh đã nghiêm túc nghĩ đến việc tìm hiểu một người để kết hôn nhưng chưa tìm được người phù hợp và công việc chiếm nhiều thời gian của anh.

Nếu đề xuất của đại biểu Nguyễn Thiện Nhân được thực hiện, bản thân anh muốn dành nhiều thời gian chăm sóc bản thân tốt hơn, tập thể dục, thể thao, tích cực giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu các bạn khác giới.

Ưu tiên công việc, tăng thu nhập

Còn theo chị T.H. (25 tuổi, ở huyện Nam Sách), mới tốt nghiệp đại học, đi làm được vài năm, thu nhập còn hạn chế. Vì vậy, chị và bạn bè đồng trang lứa thường tập trung cho công việc để kiếm thêm thu nhập. “Đặc biệt, những năm gần đây kinh tế khó khăn, người lao động đi thuê trọ như tôi phải gánh trên vai nhiều khoản chi phí mỗi tháng. Tôi và bạn bè ngoài làm việc giờ hành chính, buổi tối nhận thêm việc phụ để trang trải tiền nhà trọ, chi phí sinh hoạt”, chị H. chia sẻ.

Cũng như chị H., với nhiều người trẻ hiện nay, hết giờ không có nghĩa là hết việc. Phần lớn thời gian trong ngày họ dành cho công việc. Thời gian làm việc cơ bản ở doanh nghiệp chưa đủ, họ còn làm thêm giờ, tăng ca hoặc nhận thêm việc bên ngoài để làm, mục đích cuối cùng cũng chỉ để nâng cao thu nhập.

Có thể nói, giới trẻ hiện nay có nhiều áp lực về tài chính, sự nghiệp mà chưa nghĩ đến chuyện kết hôn, xoay trong guồng quay của công việc. Nếu được giảm giờ làm, nhiều người trẻ không lựa chọn đi hẹn hò mà có thể nhận thêm việc hoặc ngủ. Trong một cuộc khảo sát nhanh trên Fanpage của Trung tâm Tin tức VTV24, khi được hỏi “Nếu doanh nghiệp đồng ý giảm giờ làm xuống còn 40 giờ/tuần, thì bạn ưu tiên dành thời gian rảnh rỗi để làm gì?”, kết quả, chỉ có 8% số người khảo sát lựa chọn đi hẹn hò, 52% số người dành thời gian cho bản thân, gia đình; 11% số người lựa chọn phương án nhận thêm việc khác và 27% số người chọn ngủ…

img_6194.jpeg
Nhiều lao động trẻ hiện nay lựa chọn tăng ca, nhận thêm việc làm để tăng thu nhập. Ảnh: MINH NGUYÊN

Theo Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương), hiện thu nhập bình quân của người lao động ở Hải Dương ước khoảng 6,8-7,5 triệu đồng/người/tháng, độ tuổi chủ yếu từ 18-40 tuổi, trong đó ngành may mặc đa số là lao động nữ. Người lao động làm thêm giờ khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Bởi đa phần lao động đang trong độ tuổi thiết lập kinh tế gia đình, điều quan tâm lớn nhất là thu nhập, thay vì xây dựng gia đình, chăm sóc con cái… Làm thêm giờ khiến người lao động không có hoặc dành ít thời gian chăm sóc bản thân, con cái và gia đình. Đặc biệt, với những lao động trẻ, chưa kết hôn thì việc làm thêm giờ còn giảm cơ hội, sự lựa chọn tìm bạn đời do không có thời gian tiếp xúc với môi trường và các mối quan hệ mới. Vì vậy, cần phải có các cơ chế, chính sách phù hợp để giảm giờ làm chính thức nhưng vẫn bảo đảm hoặc tăng thu nhập cho người lao động. Đây là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức liên quan cùng chung tay tìm giải pháp tháo gỡ.

LINH LINH