Giá vàng tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng SJC
Giá vàng thế giới tăng sát mốc 2.600 USD/ounce kéo giá vàng nhẫn 99,99 tối 18-11 tiếp tục tăng, còn giá vàng miếng SJC duy trì ở mức cao
Ngày 18/11/2024, báo Người lao động đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng tăng vọt, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng SJC”. Nội dung cụ thể như sau:
Tối 18-11, giá vàng trên thị trường quốc tế lên mức 2.595 USD/ounce – tăng thêm 5 USD/ounce so với phiên sáng và tăng tổng cộng 30 USD so với phiên trước. Đây là mức tăng rất mạnh của giá vàng thế giới sau đợt điều chỉnh cuối tuần qua.
Giá kim loại quý trên sàn quốc tế tăng thúc đẩy giá vàng trong nước đi lên. Công ty SJC niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 81 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng/lượng – ổn định so với buổi sáng sau khi tăng nửa triệu đồng/lượng so với hôm qua.
Đáng chú ý, Công ty Mi Hồng nâng giá mua vào vàng miếng SJC lên 82,5 triệu đồng/lượng, bán ra bằng với Công ty SJC là 84 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng. Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn 99,99 mua vào 80,9 triệu đồng/lượng, bán ra 83,1 triệu đồng/lượng – tăng thêm 100.000 đồng so với buổi sáng. Chỉ trong 1 ngày, giá vàng nhẫn đã tăng tới gần 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tăng tiếp theo giá thế giới
Công ty PNJ bán ra vàng nhẫn trơn cao hơn, với 83,2 triệu đồng/lượng, trong khi Tập đoàn DOJI đẩy giá vàng nhẫn bán ra lên tới 83,7 triệu đồng/lượng.
Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường vàng hôm nay là sau gần 1 tháng không thông báo, Ngân hàng Nhà nước ngày 18-11 đã thông báo giá bán vàng miếng SJC cho các đơn vị .
Theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ phương án bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và Công ty SJC đã được phê duyệt, cơ quan này thông báo giá bán ngày 18-11 là 83,5 triệu đồng/ lượng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước với giá vàng thế giới ở mức phù hợp.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 79,8 triệu đồng/lượng.
Tiếp đó, báo điện tử VTV đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ngân hàng Nhà nước thông báo bán vàng miếng giá 83,5 triệu đồng/lượng”. Nội dung cụ thể như sau:
Sau gần 1 tháng không thông báo, hôm nay (18/11), Ngân hàng Nhà nước lại thông báo giá bán vàng miếng SJC cho các đơn vị.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, căn cứ phương án bán vàng miếng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước và Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước thông báo giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 18/11 là 83,5 triệu đồng/ lượng.
Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Như vậy kể từ ngày 22/10, cách đây gần 1 tháng, hôm nay Ngân hàng Nhà nước mới có thông báo về giá bán vàng miếng SJC trực tiếp cho nhóm Big4 và Công ty SJC để các đơn vị này bán vàng cho người dân nhằm bình ổn thị trường vàng.
Mới đây, trả lời câu hỏi chất vấn trên diễn đàn Quốc hội về thị trường vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp, ổn định thị trường vàng với mục tiêu là giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, phòng tránh các hiện tượng nhập lậu vàng.
Hiện nay, giá vàng vẫn tăng giảm chưa thật sự ổn định do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới. Giá vàng còn phụ thuộc nhiều vào các biến số từ thị trường tài chính thế giới, lãi suất, tỷ giá, giá dầu… Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thị trường, căn cứ vào mục tiêu, chính sách tiền tệ trong thời gian tới để xem xét giải pháp can thiệp.
Về giải pháp căn cơ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành đánh giá tổng kết Nghị định số 24, tham mưu, đề xuất với Chính phủ về các giải pháp giải quyết vấn đề, tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Về lâu dài, quan điểm chung của Ngân hàng Nhà nước là chống vàng hóa, thực hiện các giải pháp để vàng không phải là mặt hàng hấp dẫn để đầu cơ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để chống vàng hóa và đô la hóa, không khuyến khích người dân nắm giữ vàng. Vàng nếu được chuyển hóa sang VND sẽ có cơ hội đầu tư, kinh doanh, hoặc gửi tiền vào ngân hàng để cho vay sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư vào lĩnh vực khác phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, tinh thần Ngân hàng Nhà nước là không khuyến khích người dân trữ vàng, đặc biệt là vàng miếng, bởi vàng miếng có giá trị cao, nên Nhà nước có chính sách độc quyền để xuất nhập khẩu vàng miếng và quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng.