Hà Nội: Đề xuất lắp 600 camera tại 55 nút giao thông

Kinhtedothi – Để triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn TP Hà Nội tại 55 nút trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng, cần 600 camera giám sát tốc độ, đo đếm lưu lượng.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất TP cho phép triển khai hệ thống giao thông thông minh giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí với hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2025 – 2027.

Giai đoạn đầu của đề án, Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống giao thông thông minh.

Trong giai đoạn 1, phạm vi thực hiện của đề án bao gồm: 55 nút trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng.

Để thực hiện được điều này, số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là: 600 camera, 20 VMS – biển báo giao thông thông minh (thông tin giao thông được cập nhật theo thời gian thực qua hình ảnh và thông điệp chữ), 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất lắp 600 camera giám sát giao thông tại 55 nút giao.

Sở GTVT Hà Nội đề xuất lắp 600 camera giám sát giao thông tại 55 nút giao.

Mặt khác, Sở GTVT sẽ cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (tại địa chỉ số 1 Kim Mã), bao gồm: Cải tạo sửa chữa trụ sở; Lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; Hệ thống phần mềm lõi dùng chung; Hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.

Đồng thời, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); Hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.

Hệ thống giám sát giao thông sẽ có chức năng tích hợp, thu thập thông tin GPS, camera trên xe; Tích hợp trên nền tảng quản lý giao thông công cộng; Phân tích, xử lý đưa ra báo cáo dựa trên AI; Điều hành, quản lý giao thông công cộng; Quản lý việc cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người sử dụng.

Hệ thống ITS sẽ tiếp nhận, cung cấp thông tin giao thông thông qua các hệ thống: VMS, trụ GTTM, Loa phát thanh, Kios thông tin thông minh, ứng dụng (Hanoimap, Công dân thủ đô), website, kết nối radio.

Qua các thông tin tiếp nhận, hệ thống ITS sẽ hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, phát hiện vi phạm giao thông như lấn làn, đèn tín hiệu, tốc độ,… Đồng thời tổng hợp, thống kê, chia sẻ, cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan (CATP, Ủy ban ATGT Quốc gia); Hỗ trợ ra chính sách hạn chế vi phạm.

Cùng với đó, hệ thống ITS sẽ cung cấp công cụ hỗ trợ vận tải giao thông công cộng và vận tải đa phương thức trên địa bàn TP; quản lý giao thông công cộng, tích hợp các hệ thống chuyên ngành quản lý vận tải của Cục Đường bộ Việt Nam, Đường thủy nội địa, Đường sắt Việt Nam…

Hệ thống ITS quản lý việc thanh toán vé điện tử giao thông công cộng như tích hợp các hệ thống vé điện tử; báo cáo, tổng hợp dữ liệu thanh toán.

Với người dân, hệ thống giao thông thông minh cung cấp thông tin bãi đỗ, số vị trí trống. Bên cạnh đó, hỗ trợ tìm đường đến vị trí đỗ, đặt chỗ và thanh toán phí đỗ xe (qua ví điện tử và thiết bị ePass). Tổng hợp, báo cáo số liệu (doanh thu, năng suất…).

Hệ thống cũng giúp nhận dạng sự cố từ nhiều nguồn, xác thực sự cố, điều hành các tổ chức liên quan và theo dõi khắc phục sự cố…