HÀ TĨNH: 4 người ‘thổi giá’ thiết bị trong trường học, gây thiệt hại 5 tỷ đồng

Hà TĩnhNguyễn Thanh Thủy cùng ba đồng phạm bị kết tội nâng giá thiết bị dạy học, máy chiếu, máy tính… bán cho Sở Giáo dục và Đào tạo để trang bị trong các trường.

Bản án ngày 5/8 của TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bà Thủy, 53 tuổi, án 5 năm tù; Trần Văn Tuân, 46 tuổi, 4 năm; Trần Thị Thúy, 33 tuổi và Trần Thị Hải Huyền, 31 tuổi, mỗi người 3 năm tù treo cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, thực hiện chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, dân tộc thiểu số, khó khăn; đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2020, từ năm 2017-2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung theo tờ trình của Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh (Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh).

Bị cáo Thủy (hàng đứng, chủ mưu vụ án) trả lời thẩm vấn. Ảnh: Đức Hùng

Bị cáo Thủy (hàng đứng, chủ mưu vụ án) trả lời thẩm vấn. Ảnh: Đức Hùng

Sau khi Trung tâm thông báo và phát hành hồ sơ mời thầu, Công ty Cổ phần công nghệ thông tin Lam Hồng tham gia thầu gói mua sắm thiết bị dạy học và văn phòng và mua máy tính, máy photocoppy, bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu…

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Lam Hồng, bị cáo buộc đã chỉ đạo Phó giám đốc Trần Văn Tuân lập các hồ sơ dự thầu không đáp ứng những yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, nhằm mục đích giúp doanh nghiệp này trúng hai gói thầu.

Nhà chức trách cáo buộc, với gói mua sắm thiết bị dạy học đợt một năm 2017, bị cáo Tuân lập các công ty “quân xanh”, xây dựng hồ sơ dự thầu không đáp ứng yêu cầu, sau đó nhờ bạn bè, người thân làm đại diện nộp hồ sơ và tham gia dự thầu.

Với gói mua máy tính, bàn ghế… theo hợp đồng năm 2018, bà Thủy chỉ đạo ông Tuân và cấp dưới Trần Thị Hải Huyền tiếp nhận thông tin về hồ sơ mời thầu gói này trước thời điểm Trung tâm phát hành hồ sơ mời thầu. Tiếp đó, ông Tuân cùng nhân viên Trần Thị Thúy tiếp tục lập các công ty “quân xanh”, xây dựng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để tham dự thầu và mở thầu.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh tại tòa. Ảnh: Đức Hùng

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên tòa. Ảnh: Đức Hùng

Công ty Lam Hồng đã trúng thầu hai gói thầu trị giá hơn 57 tỷ đồng. Sở Giáo dục và Đào tỉnh Hà Tĩnh sử dụng ngân sách do UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp, chi trả cho doanh nghiệp này theo hai đợt.

Sau khi trúng thầu, bà Thủy sử dụng các công ty do mình lập ra nhằm “mua bán lòng vòng” nâng giá gần gấp đôi các thiết bị trước khi cung cấp cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, sau đó lắp đặt tại các trường học.

Theo đó, máy chiếu mua vào 20 triệu đồng nhưng trong hợp đồng nghiệm thu bàn giao hơn 27 triệu đồng. Màn chiếu 70 inch giá gốc 600.000 đồng, bán hơn 900.000 đồng. Máy tính và màn hình mua vào 10,2 triệu đồng, bán 10,7 triệu đồng. Âm ly đa năng giá hơn 4 triệu đồng, bán 7,6 triệu đồng…

Cơ quan điều tra cáo buộc, việc Công ty Lam Hồng “thông thầu” và nâng giá các thiết bị để bán cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.

Trong vụ án này, bà Thủy được xác định là người khởi xướng, chịu trách nhiệm chính, ông Tuân là người thực hành trực tiếp. Huyền và Thúy đóng vai trò giúp sức.

Tại phiên tòa, bị cáo Thủy và Tuân thừa nhận hành vi. Bà Thủy đã nộp hơn 4,7 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, ông Tuân nộp lại 120 triệu đồng.

Bị cáo Huyền và Thúy trình bày “chỉ làm theo lệnh sếp”, không được hưởng lợi. Trước lúc tòa tuyên án, hai bị cáo nói đã ý thức được hành vi, xin nộp vài chục triệu đồng để khắc phục hậu quả, mong giảm nhẹ hình phạt. Trước đó gia cảnh khó khăn nên họ không xoay xở được tiền.

Đại diện Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho hay việc mua sắm tài sản công liên quan nhiều cơ quan, đã thuê thẩm định giá và giao cho các đơn vị thực hiện, khi cấp dưới trình hồ sơ đầy đủ lên nên phê duyệt.

Theo HĐXX, kết quả điều tra tại Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh cho thấy quá trình thẩm định kế hoạch mua sắm, lãnh đạo Sở đã dựa trên hồ sơ do Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh đề xuất. Vì thế cơ quan điều tra không có căn cứ để xác định hành vi sai phạm của các cá nhân liên quan đang công tác tại Sở này.

Với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, quá trình điều tra xác định việc ký hợp đồng với Công ty Lam Hồng là căn cứ thẩm định thư đã ký của Trung tâm Tư vấn và dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh với doanh nghiệp này để thực hiện. Do đó những lãnh đạo liên quan quá trình mua sắm thiết bị không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đầu máy chiếu trong các gói thầu mua sắm thiết bị đang sử dụng tại một trường học ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Đầu máy chiếu trong các gói thầu mua sắm thiết bị đang sử dụng tại một trường học ở Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Liên quan sai phạm đấu thầu xảy ra tại Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính công tỉnh Hà Tĩnh, tháng 9/2022, Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam Lê Viết Cường (Giám đốc Trung tâm), Đinh Quốc Tấn (nhân viên hợp đồng Trung tâm, Tổ trưởng Tổ đấu thầu), Phạm Viết Anh Vũ (Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh Công ty Hồng Hà), Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Công ty Phương Anh), Nguyễn Hồng Hải (Phó giám đốc Công ty Phương Anh) với cáo buộc có sai phạm một trong số 15 gói thầu mua sắm cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh.

Mở rộng vụ án, đến tháng 3/2023, Công an Hà Tĩnh khởi tố, bắt giam Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc kinh doanh Công ty Hồng Hà; Nguyễn Xuân Thiện, nhân viên kinh doanh Công ty P&T và Nguyễn Mạnh Hiếu, kỹ sư tư vấn thiết kế, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các vụ án trên sẽ được đưa ra xét xử trong thời gian tới.

Đức Hùng