Hà Tĩnh: giải pháp nào xử lý “ma trận” cọc bê tông nuôi hàu trái phép?

Kinhtedothi – Sông Rác ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh đang bị người dân ngang nhiên chiếm dụng, đóng cọc bê tông kiên cố để nuôi hàu trái phép. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền vẫn chưa đưa ra được phương án xử lý phù hợp.

Thủy triều rút xuống hàng vạn cọc bê tông nổi lên chằng chịt trên dòng sông Rác
Thủy triều rút xuống hàng vạn cọc bê tông nổi lên chằng chịt trên dòng sông Rác
Bà Nguyễn Thị Kính ở xã Cẩm Trung tập trung thu hoạch hàu trên sông Rác

Bà Nguyễn Thị Kính ở xã Cẩm Trung tập trung thu hoạch hàu trên sông Rác

“Gia đình tôi hiện có khoảng 2 ha cọc bê tông và cọc tre đóng trên sông Rác để nuôi hàu tự nhiên. Mùa này, bình quân mỗi ngày tôi thu hoạch từ 3-4 tạ hàu, trị giá gần 1 triệu đồng. Hàu sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi mua với số lượng lớn”, bà Nguyễn Thị Kính ở xã Cẩm Trung cho biết.

Hàng vạn cọc bê tông xen lẫn cọc tre nổi lên như “ma trận” giữa dòng sông Rác
Hàng vạn cọc bê tông xen lẫn cọc tre nổi lên như “ma trận” giữa dòng sông Rác
Hàu bám dày đặc vào cọc bê tông và lốp xe
Hàu bám dày đặc vào cọc bê tông và lốp xe

Mệnh ai nấy làm, mệnh ai nấy tự do chiếm dụng, hộ ít cũng vài sào, có hộ từ 2-3 ha cọc bê tông đóng giữa sông Rác để nuôi hàu. Hệ lụy là giờ đây việc khai thác, đánh bắt thủy sản trên sông Rác không thể thực hiện, luồng lạch bị cản trở, tàu thuyền qua lại rất khó khăn, thậm chí bị va đập rất nguy hiểm.

“Cọc bê tông đóng tràn lan trên sông Rác ảnh hưởng rất lớn đến khai thác, đánh bắt thủy sản, phá hỏng ngư lưới cụ. Mùa mưa bão tàu thuyền vào bờ tránh trú rất khó khăn. Theo tôi, các cấp có thẩm quyền cần kiểm tra và có phương án tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ kịp thời”, ông Trần Đình Cảnh ở xã Cẩm Lĩnh phản ánh.

Rõ ràng, nuôi hàu tự phát tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân, nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, dòng chảy, cản trở giao thông đường thủy. Tuy nhiên, nghịch lý là chính quền các cấp vẫn chưa có phương án xử lý kịp thời, phù hợp.

Cọc bê tông mấp mé mặt nước dễ xảy ra va đập, hư hỏng tàu thuyền, phá hủy ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt thủy sản truyền thống
Cọc bê tông mấp mé mặt nước dễ xảy ra va đập, hư hỏng tàu thuyền, phá hủy ngư lưới cụ của ngư dân đánh bắt thủy sản truyền thống

Tại buổi làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Nguyễn Như Hùng cho biết, đóng cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu trên sông Rác là không đúng quy định. Trước đó, khi quy mô còn ít địa phương đã từng tuyên truyền, ngăn cấm và tháo dỡ, nhưng được một thời gian người dân lại lén lút đóng cọc bê tông vào ban đêm.

“Hiện nay, cọc bê tông đóng kiên cố trên sông Rác với số lượng rất lớn. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền người dân chấp hành các quy định về nuôi trồng thủy sản. Còn vấn đề tháo dỡ cọc bê tông hoặc đề xuất lên cấp trên cho thuê đất, thuê mặt nước thì đang phải tính phương án phù hợp, đúng quy định”, ông Nguyễn Như Hùng thông tin.

Sông Rác bị chiếm dụng, đóng cọc bê tông, cọc tre tràn lan để nuôi hàu trái phép
Sông Rác bị chiếm dụng, đóng cọc bê tông, cọc tre tràn lan để nuôi hàu trái phép

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về diện tích cọc bê tông, cọc tre đóng trên sông Rác để nuôi hàu trái phép. Tuy nhiên, theo ước tính có ít nhất từ 30-50 ha mặt nước đã bị người dân chiếm dụng để nuôi hàu. Vùng nuôi không nằm trong quy hoạch và chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép thuê đất, thuê mặt nước, nghĩa là việc nuôi hàu hoàn toàn tự phát, trái quy định của pháp luật.

“Chiếm dụng sông Rác đóng cọc bê tông, cọc tre nuôi hàu là không đúng quy định. Khi phát hiện sự việc, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã ban hành văn bản đề nghị huyện Cẩm Xuyên kiểm tra, xử lý và báo cáo kết quả trước ngày 30/8/2024”, đại diện Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) thông tin.

Nuôi hàu tự phát, trái phép trên sông Rác cần được các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời, đúng quy định
Nuôi hàu tự phát, trái phép trên sông Rác cần được các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc kiểm tra và có phương án xử lý kịp thời, đúng quy định

Đóng cọc bê tông và cọc tre kiên cố, chằng chịt trên sông Rác để nuôi hàu là trái quy định. Do vậy, các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh cần vào cuộc kiểm tra, vận động người dân tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu của dòng sông, đồng thời tiếp tục quy hoạch vùng nuôi hàu phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.