Hải Phòng: Sau bão, di dời hơn 2.600 người dân đến nơi ở mới

Siêu bão Yagi đi qua, dù chưa thống kê chính xác được các con số thiệt hại về kinh tế, nhưng Hải Phòng đã phải gánh chịu nhiều mất mát. Trong khi chưa khắc phục hết hậu quả mưa bão, thành phố tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc phòng chống lũ, hộ đê.

Dừng sử dụng 41 chung cư cấp D

Theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, cơn bão số 3 đã làm 2 người chết (tại huyện Tiên Lãng và Thủy Nguyên), 18 người bị thương tại gia đình do vỡ kính, mái tôn. Hơn 36.600 nhà và các công trình, 47 trạm điện bị hư hại; 419 trang trại, 26.370ha lúa và hoa màu, 2.130ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 644.00 gia cầm và 1.600 gia súc bị chết…

Trong quá trình phòng chống bão, UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn Hải Phòng đã tập trung, khẩn trương thực hiện di dân khỏi các khu chung cư, nhà xuống cấp; các vùng trũng, thấp. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đã có 2.095 số hộ với trên 9.100 người được sơ tán tại chỗ; gần 5.000 hộ với trên 14.400 người được sơ tán tập trung. 158 trường học cùng trụ sở cơ quan nhà nước trên địa bàn được trưng dụng làm địa điểm tránh trú bão số 3 cho nhân dân.

Sau cơn bão, “bài toán” đặt ra với Hải Phòng là tìm giải pháp để hỗ trợ người dân được an toàn, không phải quay trở về chung cư hạng D (có tuổi đời 30 – 40 năm, bị hư hỏng tổng thể, kết cấu xuống cấp) để tiếp tục sinh sống. Theo ông Nguyễn Thành Hưng – Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng, thành phố có 97 chung cư nguy hiểm cấp D, trong đó đã phá dỡ 22 chung cư, còn lại 75 chung cư tương ứng với khoảng 2.660 hộ dân. Kết quả kiểm định của đơn vị tư vấn đã đánh giá các khu chung cư này có tỷ lệ kết cấu chính hư hỏng so với toàn bộ công trình trên 65%, không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Sau khi đi kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã thống nhất chủ trương ngừng sử dụng 41 chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D. Đồng thời yêu cầu UBND các quận Ngô Quyền, Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An tổ chức tuyên truyền, thông tin đến các hộ dân tại các 41 chung cư cũ chuẩn bị phương án di chuyển, chủ động tìm nơi ở khác đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống.

Qua tính toán, Hải Phòng đã quyết định sử dụng quỹ nhà chung cư của thành phố còn khoảng 846 căn hộ để bố trí, sắp xếp các hộ dân về ở. Đối với các hộ không bố trí được quỹ nhà, thành phố sẽ hỗ trợ tạm cư bằng tiền; dự kiến khoảng 3 triệu đồng/hộ/tháng, trong thời gian 2 năm.

Thêm nỗi lo mùa mưa lũ

Trong khi các hậu quả của siêu bão số 3 chưa giải quyết xong, Hải Phòng tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống lũ, hộ đê. Ngày 12/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã thông báo lũ khẩn cấp trên các sông ở Hải Phòng. Để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ người và tài sản trong thời gian có lũ cấp, lãnh đạo TP Hải Phòng đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; phối hợp với các lực lượng chức năng rà soát, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng, kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Trong những ngày tháng gian khó này, chính quyền và nhân dân Hải Phòng cũng nhận được nhiều sự sẻ chia, cả về vật chất và tinh thần từ các tỉnh, thành trong cả nước như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, Quảng Bình, TPHCM, Nghệ An… Đây là nguồn động viên to lớn giúp thành phố sớm khắc phục thiệt hại sau bão, ổn định cuộc sống. Nhiều đoàn tình nguyện đã trực tiếp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 tại Hải Phòng. Với sự nhiệt huyết, sức trẻ của đội tình nguyện, vẻ hoang tàn, ngổn ngang sau bão dần biến mất.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ – Thường trực Ban vận động cứu trợ nguồn kinh phí phòng chống thiên tai, lũ lụt TP Hải Phòng đã mở đợt vận động quyên góp ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Đến sáng 13/9, tổng số tiền kêu gọi đã đạt trên 5 tỷ đồng.

Phương Thanh