Do không có bằng cấp 3 và thiếu năng lực công tác, một thầy giáo ở Gia Lai phải thuê đồng nghiệp dạy thay. Vụ việc vừa được UBND huyện Chư Păh phát hiện, kiểm tra và xử lý.
Báo Vietnamnet ngày 07/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Phát hiện thầy giáo không có bằng cấp 3 phải thuê đồng nghiệp dạy thay” cùng nội dung như sau:
Đoàn kiểm tra UBND huyện Chư Păh đã có kết luận về những sai phạm tại Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông, trong đó có việc ông Rơ Châm Thom, giáo viên cấp tiểu học thuê người khác dạy thay hơn 1 năm trời nhưng nhà trường vẫn chi trả lương và các khoản phụ cấp cho ông Thom trái quy định.
Theo đó, từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023, mặc dù được phân công giảng dạy lớp 5B (năm học 2022–2023) và lớp 1B (năm học 2023–2024), nhưng ông Rơ Châm Thom đã thuê bà B.T.H. và bà T.T.T. (có nghiệp vụ sư phạm) để dạy thay cho mình. Hàng tháng giáo viên này trả tiền thuê dạy thay từ 6,5 đến 6,8 triệu đồng.
Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông, nơi ông Thom công tác. Ảnh: H.T
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian trên, ông Rơ Châm Thom vẫn được nhà trường chi trả lương và các chế độ khác là 241 triệu đồng, trong đó ông Thom đã trả tiền công cho người dạy thay 78 triệu đồng, số tiền 163 triệu đồng còn lại ông Thom sử dụng.
Đoàn kiểm tra khẳng định, ông Rơ Châm Thom không thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của viên chức giáo viên tiểu học mà thuê người khác dạy thay là không đúng quy định.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Thom trình bày, bản thân bị bệnh xương khớp, đau ốm thường xuyên nên đã đề xuất thuê bà Hường, bà Tâm dạy thay và được BGH cho phép, toàn thể giáo viên và phụ huynh đồng ý. Trong quá trình thuê người dạy, ông Thom luôn có mặt tại lớp học trừ những ngày đi khám chữa bệnh.
Cũng theo ông Thom, ngoài việc sức khỏe yếu, mắt nhìn không rõ, bản thân không có bằng cấp 3 nên năng lực hạn chế. Trong khi đó, chương trình giáo dục năm 2018 nặng, ông không cập nhật được các kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, không biết sử dụng máy vi tính để soạn giáo án, không thể truyền đạt các kiến thức, làm ảnh hưởng đến chất lượng của học sinh, nhất là học sinh khối lớp 1 và khối lớp 15.
Kết quả kiểm tra hồ sơ chuyên môn cho thấy năng lực giảng dạy của ông Thom không đảm bảo. Tại các phiếu dự giờ nhận xét: “Giáo viên dạy lung tung”, “Giáo viên không biết phương pháp truyền đạt cho học sinh”. Trong năm học 2021–2022, nhiều tiết dạy của ông bị đánh giá thấp. Kết quả cuối năm cho thấy tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình thấp, thậm chí có lớp tới 61,9% học sinh chưa đạt chuẩn.
Theo đoàn kiểm tra, để xảy ra các khuyết điểm nêu trên trước hết thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường và các cá nhân có liên quan đã không kịp thời báo cáo UBND huyện, Phòng GD-ĐT để hướng dẫn đơn vị tổ chức đánh giá năng lực giảng dạy của ông Thom mà lại cho ông Thom thuê người dạy thay.
Xét thấy bản thân ông Thom là người đồng bào dân tộc thiểu số, sức khỏe không đảm bảo, hay đau ốm, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, do đó, Đoàn Kiểm tra kiến nghị UBND huyện xem xét, giải quyết việc không thu hồi số tiền đã chi trả cho ông Thom trong thời gian nói trên.
Theo ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm đối với Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS la Mơ Nông theo Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tiếp đến, báo VnExpress ngày 06/12 cũng có bài đăng với thông tin: “Thầy giáo thuê đồng nghiệp dạy thay hơn một năm”. Nội dung được báo đưa như sau:
Ngày 6/12, trường Tiểu học và THCS xã Ia Mơ Nông đã kiểm điểm ông Rơ Châm Thom vì việc này. Theo kết luận của đoàn kiểm tra huyện Chư Păh, từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023, ông Thom nhờ một người dạy lớp 1, một người dạy lớp 5 – là hai lớp được giao phụ trách. Trong số tiền được chi trả, ông Thom trích 78 triệu cho hai giáo viên.
Ông Thom cho hay chỉ có bằng trung cấp sư phạm, chưa có bằng cấp ba, lại thường xuyên bị đau chân tay. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 (áp dụng từ năm 2020) nặng, ông không cập nhật được kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, không biết sử dụng máy tính để soạn giáo án. Tự thấy không thể truyền đạt kiến thức cho học sinh, ông xin thuê người dạy thay (có chuyên môn sư phạm) và được tập thể giáo viên đồng ý. Ngoài ra, ông xin nghỉ hưu sớm theo diện tinh giản biên chế.
Các biên bản dự giờ của nhà trường cũng thể hiện điều này. Chẳng hạn, phiếu dự giờ môn Tiếng Việt hôm 6/11/2021 ghi nhận xét “Giáo viên dạy lung tung”. Hay ở tiết Toán hôm 4/3/2022, bộ phận chuyên môn ghi “Giáo viên chưa biết cách dạy”… Năm học 2021-2022, lớp 3A mà ông Thom phụ trách có 21/34 học sinh chưa hoàn thành môn Toán, 15 em ở môn Tiếng Việt.
Giải trình với đoàn kiểm tra, hiệu trưởng Trần Văn Tĩnh cho biết ông Thom là người có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, từng vượt qua không ít khó khăn để xóa mù chữ cho các thế hệ học sinh trong huyện. Vì muốn kéo dài thời gian công tác để ông Thom được hưởng chế độ nghỉ một lần, ông đã đồng ý cho đồng nghiệp thuê người dạy thay.
Đoàn kiểm tra xác định ông Thom làm sai quy định, song việc thu hồi số tiền nói trên rất khó. Thầy giáo là người dân tộc thiểu số, hay đau ốm, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, ban giám hiệu trường và đoàn kiểm tra kiến nghị huyện không thu hồi khoản tiền này.
Tập thể trường Tiểu học và THCS xã Ia Mơ Nông và hiệu trưởng Trần Văn Tĩnh cũng bị kiểm điểm. Ngoài sai khi cho ông Thom thuê người dạy thay, ông Tĩnh còn lập khống chứng từ để thanh toán tiền dạy vượt giờ cho hai giáo viên khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này sau đó được dùng cho một số hoạt động chung của trường như mua cây cảnh, hoa trồng trong khuôn viên…