Sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện: Quảng Nam xây dựng chính sách hỗ trợ lao động dôi dư
Tại Kỳ họp thứ 26 của HĐND tỉnh (khóa X) khai mạc vào ngày mai 26/9, theo nội dung làm việc, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cho hợp đồng lao động thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025. Đây được xem là chính sách thiết thực, kịp thời hỗ trợ người lao động.
Thêm chính sách hỗ trợ
Nông Sơn và Quế Sơn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện giai đoạn 2023 – 2025. Cho ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng hoàn thiện dự thảo nghị quyết, ngành chuyên môn của tỉnh và lãnh đạo hai địa phương nêu trên đều cho rằng: Việc trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với hợp đồng lao động (HĐLĐ) dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 tại Kỳ họp thứ 26 là rất kịp thời. Qua đó góp phần đảm bảo các đối tượng dôi dư khi sắp xếp ĐVHC theo chủ trương, quy định đều có chính sách hỗ trợ.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 19 vào cuối năm 2023, HĐND tỉnh (khóa X) cũng đã ban hành Nghị quyết 37 quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư khi sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh xem xét, có thêm chính sách đối với đối tượng HĐLĐ là rất cần thiết, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ sắp xếp nhân sự dôi dư ở các ĐVHC thuộc diện sắp xếp.
Ông Trần Phương – Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nông Sơn cho hay, tổng số đối tượng HĐLĐ trong các cơ quan, đơn vị của huyện theo Nghị định số 111/2022 của Chính phủ (trừ khối giáo dục) tính đến hiện tại là 16 người. Lãnh đạo huyện thống nhất với quy định của dự thảo nghị quyết về các mức hỗ trợ cho đối tượng HĐLĐ dôi dư khi sắp xếp ĐVHC.
“Chủ trương này rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với đối tượng HĐLĐ tại các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025” – ông Phương nói.
Từ kết quả rà soát, UBND tỉnh dự kiến có 47 người sẽ được hưởng chính sách sau khi được HĐND tỉnh thông qua, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 2,2 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ, theo đề xuất của UBND tỉnh, được chia thành hai nhóm.
Trong đó, nhóm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chế độ, chính sách hưởng theo quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ, người làm việc theo chế độ HĐLĐ thuộc đối tượng áp dụng của nghị quyết HĐND tỉnh được hỗ trợ thêm một lần bằng 70% kinh phí được hưởng theo quy định tại Nghị định số 29 nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng.
Đối với nhóm đối tượng thôi việc ngay, ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ, người làm việc theo chế độ HĐLĐ thuộc đối tượng áp dụng của nghị quyết HĐND tỉnh được hỗ trợ thêm một lần bằng 80% kinh phí được hưởng theo quy định tại Nghị định số 29 nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng.
Đáng chú ý ở nhóm này, HĐLĐ không thuộc đối tượng hưởng chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đề xuất mức hỗ trợ một lần theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn).
Cụ thể, có thời gian công tác dưới 5 năm được hỗ trợ 30 triệu đồng/trường hợp; từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm được hỗ trợ 40 triệu đồng/trường hợp và đủ 10 năm trở lên được hỗ trợ 50 triệu đồng/trường hợp.
Động viên người lao động
Quy trình, thủ tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị quyết được tiến hành chặt chẽ, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, xin ý kiến của các bộ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình HĐND tỉnh.
Đánh giá về tác động của chính sách, theo Sở Nội vụ, đối với CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 37 ngày 29/12/2023. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ đối với HĐLĐ (nhất là HĐLĐ không xác định thời hạn) khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện chưa được quy định.
Để xây dựng chính sách đảm bảo quy định, hiệu quả và phù hợp đối tượng thụ hưởng, Sở Nội vụ đã khảo sát số lượng HĐLĐ tại các ĐVHC thuộc diện sắp xếp (tổng số 203 hợp đồng hỗ trợ, phụ vụ; 133 hợp đồng chuyên môn).
Từ đó xác định đối tượng cụ thể với mục tiêu là giải quyết chế độ đối với HĐLĐ dôi dư khi sắp xếp ĐVHC, góp phần ổn định và đảm bảo chế độ người lao động tại các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025.
Đối tượng thụ hưởng chính sách là người làm việc theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn thực hiện các công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực của đơn vị khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện giai đoạn 2023 – 2025 đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc ngay theo quy định tại Nghị định số 29/2023 của Chính phủ.
Người làm việc theo chế độ HĐLĐ hỗ trợ, phục vụ không xác định thời hạn; HĐLĐ hỗ trợ, phục vụ xác định thời hạn mà trước thời điểm ký hợp đồng không xác định thời hạn đã được ký hợp đồng không xác định thời hạn theo Nghị định số 68/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp hoặc Nghị định số 161/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư khi sắp xếp ĐVHC cấp huyện giai đoạn 2023 – 2025.
Các đối tượng này được cấp có thẩm quyền phê duyệt nghỉ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ nói, Quảng Nam có chính sách hỗ trợ thêm thuộc đối tượng nêu trên đáp ứng đủ điều kiện theo quy định nhằm khuyến khích, động viên người lao động tinh giản biên chế, thôi việc. Qua đó góp phần ổn định, hoàn thiện tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân sự, đảm bảo chế độ người lao động tại các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC.