Sắp xếp đơn vị hành chính, tạo không gian phát triển mới, xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại

Thành phố Nam Định là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh. Trước khi mở rộng, thành phố có 25 đơn vị hành chính cấp xã (22 phường, 3 xã); có diện tích 46,41km2; dân số toàn thành phố là 280.136 người. Những năm qua, thành phố Nam định đã có sự phát triển nhanh chóng. Kinh tế thành phố liên tục tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển, diện mạo đô thị thay đổi. Công tác xây dựng, quản lý đô thị có những chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, an sinh xã hội… được quan tâm, đầu tư. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị không ngừng đổi mới về phương thức hoạt động trên từng lĩnh vực. Hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố và phát huy sức mạnh.

Thành phố Nam Định hôm nay. (Ảnh Viết Dư )
Thành phố Nam Định hôm nay. (Ảnh Viết Dư )

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Nam Định đến nay đã hơn 100 tuổi nên đã xuất hiện những khó khăn, bất cập nhất là trong công tác quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phát triển nguồn thu; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Với tốc độ phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh thì hiện nay thành phố Nam Định đang bị kìm hãm bởi quy mô diện tích thành phố nhỏ dẫn đến không gian phát triển bị chia cắt. Nhiều phường, xã quy mô nhỏ, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế – xã hội tầm vĩ mô cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế – xã hội bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.

Nghị quyết 1104 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Nam Định” vào thời điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định và là bước đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, phát huy các tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Nam Định và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thành phố Nam Định là đơn vị vừa sắp xếp sáp nhập các phường, xã; vừa sáp nhập huyện Mỹ lộc vào thành phố để mở rộng địa giới hành chính. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, thành phố sẽ giảm từ 36 đơn vị còn 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 14 phường và 7 xã (giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã); đội ngũ cán bộ sẽ được tinh giản, lựa chọn, sắp xếp lại và bố trí công việc phù hợp, đáp ứng ngay với yêu cầu thực tiễn, nhất là các lĩnh vực đang chịu nhiều áp lực như: cải cách  thủ tục hành chính; giải quyết các dịch vụ hành chính công; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử; quản lý đất đai; quản lý trật tự đô thị; quản lý dân cư… Cùng với đó, thành phố Nam Định sau sáp nhập sẽ có điều kiện mở rộng không gian phát triển, tăng diện tích đất xây dựng đô thị, tạo dư địa phát triển và mở rộng các đô thị vệ tinh, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Các nguồn vốn sẽ được huy động, tập trung đầu tư cho các hạng mục trong quy hoạch đáp ứng ngay Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050.

Ngay sau sắp xếp, sáp nhập và mở rộng địa giới hành chính, thành phố Nam Định sẽ khẩn trương ổn định và tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

1. Thành phố Nam Định sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính sẽ tập trung xây dựng và phát triển thành phố với trọng tâm là tổ chức không gian đô thị và đầu tư, phát triển theo mô hình đa cực, hình thành 3 vùng phát triển: Vùng phát triển đô thị trung tâm là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc với chức năng đô thị thông minh, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng. Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.

2. Nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đối với các xã khi sáp nhập vào thành phố sẽ cơ cấu lại ngành nghề ở khu vực nông thôn, phù hợp với định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa, hạn chế tính chất sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ở nông thôn. Tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi ngành nghề từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại và dịch vụ phù hợp với sự phát triển đô thị hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nhân dân.

3. Việc sáp nhập là tiền đề cho gia tăng đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, thu hút các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn, tạo nguồn thu cho ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Ngay sau sáp nhập, thành phố sẽ nhanh chóng cụ thể hóa và hoàn thành việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050. Công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Triển khai các quy hoạch phân khu để kịp thời cho các dự án được triển khai nhằm tạo sự phát triển đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.

4. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Cải thiện môi trường đầu tư; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, các công trình trên địa bàn thành phố. Lựa chọn các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại theo hướng ưu tiên các dự án, công trình trọng điểm về giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường. Các phường, xã, cơ quan, đơn vị xây dựng quy định về chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, bộ quy tắc ứng xử, quy định rõ quy trình giải quyết công việc, thái độ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân; công khai đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mỗi cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa liên thông…

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định tiếp tục phát huy trí tuệ, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết thống nhất cao để hoàn thành tốt nhất mục tiêu đề ra cho Đảng bộ thành phố Nam Định giai đoạn 2020-2025 đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn đảng bộ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế – xã hội. Phấn đấu xây dựng thành phố Nam Định văn minh, hiện đại, gắn với đô thị thông minh.