Mô phỏng trạng thái của hiện tượng La nina
Theo thống kê khí hậu, trong những năm xuất hiện La Nina thì lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thường cao hơn so với trung bình nhiều năm. Nhằm chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các Công điện số 75/GĐ-TTg ngày 04/08/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 27/CĐ-BGTVT ngày 06/08/2024 của Bộ Giao thông vận tải về việc chủ động phòng, chống thiên tai trong thời gian tới.
Ban Chỉ huy cũng đề nghị các đơn vị rà soát, tăng cường công tác kiểm tra các công trình phục vụ quản lý, điều hành bay để kịp thời phát hiện và xử lý các hư hỏng (nếu có) nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay khi xảy ra điều kiện thời tiết bất lợi do thiên tai gây ra.
Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trạng thái của ENSO (bao gồm hiện tượng EL Nino và La Nina) ở pha trung tính duy trì đến khoảng cuối tháng 8 năm 2024. Dự báo từ tháng 9 và tháng10 trở đi, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 – 70%. Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 01 năm 2025, dự báo hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 70 – 80%.
Sự biến đổi của số lượng xoáy thuận nhiệt đới theo thời gian (thời kỳ 1981-2020)
Trong thời kỳ 1981-2020, tổng số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đều có xu thế tăng lên với tốc độ tăng tương ứng khoảng 0,02 cơn/thập kỷ và 0,6 cơn/thập kỷ.
Số xoáy thuận nhiệt đới (XTNĐ) thường cao hơn trong các năm La Nina và sau năm La Nina như năm 1989, 1995, 1999, 2006, 2008, 2017,… và thường ít hơn trong và sau các năm El Nino như các năm 1982, 1984, 1987, 1992, 1997, 2002, 2004, 2007, 2010, 2015 và 2019. Đặc biệt, trong các năm El Nino mạnh như năm 1982, 1997 và 2015 là những năm El Nino mạnh, số XTNĐ giảm xuống chỉ còn 6-7 XTNĐ/năm.
Ảnh minh họa bão trên biển Đông
Dự báo từ nay đến tháng 10 năm 2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới trong đó có khoảng 1-3 cơn đổ bộ vào đất liền. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn đổ bộ vào Việt Nam khoảng 03 cơn.
Từ tháng 11 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 3-4 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 1-2 cơn đổ bộ vào đất liền. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 3-4 cơn đổ bộ vào Việt Nam khoảng 01 cơn.
Hiện tượng La Nina sẽ làm tăng tần suất, tăng cường độ của bão/áp thấp nhiệt đới cũng như xuất hiện các đợt mưa lớn nhiều hơn trung bình nhiều năm. Trong lịch sử, những năm chuyển pha La Nina, thiên tai thường xảy ra khốc liệt, do đó ngay từ nay cần phải sớm có phương án ứng phó phù hợp với phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
TT06