Đêm không dám ngủ, thấp thỏm lo sợ là cảm giác của nhiều hộ dân xóm Thanh Đàm (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) khi bên bờ sông Cầu bỗng dưng sạt lở kéo theo ruộng vườn tuột xuống lòng sông. Đáng lo là vệt sạt này đang tiến sâu vào khu nhà dân.
Thái Nguyên: Xóm ven sông Cầu thấp thỏm giữ nhà sau vụ sạt lở bất ngờ
“Đêm không dám ngủ, thay nhau thức canh”
Đường vào nhà bà Dương Thị Loan trước khi xảy ra sạt lở nằm cách bờ sông hơn 10 m. Đó là khu vườn trồng nhiều cây sấu và một số loại cây ăn quả. Sát mép sông là bụi tre to đã trồng vài chục năm nay. Nhưng sau vài đợt mưa lớn tháng 7, gần như toàn bộ vườn cây này đã bị trượt xuống lòng sông Cầu.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ sạt lở bờ sông vào đến sát nhà mình thế này. Trước đây, nước sông Cầu từ đầu nguồn đổ sang bờ sông đối diện. Nhưng năm nay con nước lạc dòng, cuồn cuộn chảy về bờ bên này. Ngày mưa, nước sông Cầu chảy qua nhà ầm ầm, réo rắt chỉ nghe thôi đã sợ. Ban đêm không ai dám ngủ, cả nhà thay nhau thức canh phòng. Nhà tôi đã mất gần như toàn bộ khu vườn, hiện giờ chỉ lo cho nhà thằng cháu bên cạnh. Bỏ ra bạc tỉ xây nhà mà giờ sạt lở cận kề rồi, rất xót xa”, bà Loan than.
Người cháu mà bà Loan nhắc đến là nhà anh Hoàng Văn Lộc, có nhà 2 tầng khang trang đã xây dựng xong phần thô, đang chờ hoàn thiện để dọn vào ở.
Dẫn chúng tôi ra sau vườn xem bụi tre thân cao gần 20 m nhưng đã bị nước xối mất chân, gốc tụt xuống dưới lòng sông, chỉ còn nhìn thấy phần ngọn, anh Lộc cho biết, vết sạt lở xé toạc bờ sông đã tiến sát vào khu nhà xưởng sản xuất mì gạo rộng gần 100 m2. Để giảm tải áp lực, gia đình anh Lộc đã cho tháo dỡ toàn bộ máy móc, nhà xưởng nhưng hiện nay các vết nứt vẫn tiếp tục xuất hiện ăn sâu về phía ngôi nhà mới đang xây dở khiến gia đình anh Lộc lo lắng, mất ăn mất ngủ.
“Sát bờ sông trước đây là khu vườn rất nhiều cây cối và có tường bao, cách 5 – 6 m mới vào đến xưởng sản xuất mì nhưng tất cả đã bị sạt lở, nằm hết dưới sông rồi. Khu đất của gia đình sinh sống, làm ăn ổn định từ đời ông cha mấy chục năm nay chưa từng nghe có sạt lở giờ lại rơi vào tình cảnh éo le này”, anh Lộc buồn bã nói.
Do ảnh hưởng của 2 đợt lũ
Theo thông tin từ UBND huyện Phú Bình, sạt lở bờ sông Cầu xảy ra ở xóm Thanh Đàm là do ảnh hưởng trực tiếp của 2 đợt mưa lũ từ ngày 1.7 – 4.7 và từ đêm 28.7 – 31.7. Nước thượng nguồn sông Cầu đổ về dâng cao đã gây ra sạt lở bờ sông Cầu với chiều dài 868m, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản, hoa màu, đất ở, đất sản xuất của 18 hộ dân với 70 nhân khẩu trong xóm.
Để đối phó với hiện tượng này, ngày 8.8, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Cầu tại xóm Thanh Đàm. Theo quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; tiếp tục rà soát, khoanh vùng, cắm biển cảnh báo những vị trí nguy hiểm có nguy cơ mất an toàn khi mưa lũ xảy ra; không cho người dân, gia súc đi vào khu vực đang xảy ra sạt lở.
Cũng tại quyết định vừa ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao UBND huyện Phú Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng phương án để xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở tại đây.