Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Cân nhắc can thiệp thị trường vàng nếu cần thiết

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng thị trường vàng chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Báo Tuổi trẻ ngày 07/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Cân nhắc can thiệp thị trường vàng nếu cần thiết” cùng nội dung như sau:

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8.

Bà Hồng là một trong ba “tư lệnh” đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Không loại trừ khả năng có hành vi thao túng thị trường vàng

Trong báo cáo, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã thông tin về quản lý, điều hành thị trường vàng.

Theo đó, thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại một cách căn bản, đưa số lượng tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng xuống còn 16 doanh nghiệp và 22 tổ chức tín dụng.

Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ đã được tổ chức, sắp xếp lại, số doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất là 6.681 doanh nghiệp.

Báo cáo chỉ rõ, trong nước, giá vàng biến động tăng mạnh cùng chiều với giá vàng thế giới. Từ đầu năm 2024 đến tháng 6-2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng, đặc biệt là đối với vàng miếng SJC.

Mức chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới có những thời điểm lên đến 18 triệu đồng/lượng (tháng 5-2024).

Tại thời điểm sáng ngày 5-11, giá vàng miếng SJC được giao dịch ở mức 87/89 triệu đồng/lượng, tăng 13,5 triệu đồng/lượng (khoảng 18%) so với đầu năm 2024.

Biến động giá vàng trong nước cơ bản phụ thuộc vào diễn biến của giá vàng thế giới và quan hệ cung – cầu trên thị trường.

Cụ thể, về phía cung, từ năm 2014 đến 2023, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường.

Từ tháng 4-2024 đến nay, trước xu hướng tăng mạnh giá vàng thế giới, dư luận quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp thị trường vàng qua đấu thầu và bán vàng miếng trực tiếp để bổ sung nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường, hạn chế tác động đến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, ngoại hối.

Về phía cầu, giá vàng thế giới liên tục tăng cao, cùng những khó khăn của các kênh đầu tư khác (bất động sản đóng băng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ảm đạm, lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp…) khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, theo thống đốc, qua theo dõi của các đơn vị trong hệ thống phản ánh nhu cầu mua vàng chủ yếu tập trung tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội, TP.HCM và có yếu tố tâm lý, kỳ vọng.

Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có sự tồn tại của các hành vi thao túng thị trường, vi phạm các quy định liên quan của pháp luật về thuế, cạnh tranh… dẫn đến tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước (đặc biệt vàng SJC) và thế giới.

Biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ các quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC.

Từ ngày 19-4 đến 23-5 đã tổ chức 9 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 48.500 lượng (tương đương khoảng 1,82 tấn). Tuy nhiên, sau 9 phiên can thiệp theo phương thức đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá thế giới vẫn ở mức cao.

Để nhanh chóng kiểm soát và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với giá thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang phương thức bán vàng miếng với khối lượng phù hợp. Cụ thể, lựa chọn 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC.

Kết quả, từ ngày 3-6 đến 29-10 đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).

Trước thời điểm thông báo chủ trương thực hiện bán vàng miếng SJC trực tiếp, vàng miếng SJC trên thị trường trong nước được mua bán ở mức 89-92 triệu đồng/lượng, chênh lệch so với giá thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng (~25%).

Kể từ khi chính thức thông báo thực hiện phương án bán vàng miếng trực tiếp, chênh lệch giá bán vàng miếng trong nước so với giá thế giới đã giảm, hiện chỉ còn chênh khoảng 3-5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới (khoảng 5%-7%).

Thống đốc nêu rõ đấu thầu vàng miếng, bán vàng miếng trực tiếp là các biện pháp can thiệp, bình ổn thị trường được thực hiện trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng.

Báo cáo của thống đốc đánh giá còn chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Thị trường chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối; chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành VND để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Có một số sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng 99,99% được sử dụng có tính chất như vàng miếng (không ngoại trừ nguồn nguyên liệu để sản xuất từ nguồn vàng nhập lậu).

Hiện tượng này dễ bị lợi dụng làm giảm hiệu quả quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng của nghị định 24/2012.

Thời gian tới, thống đốc cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước cân nhắc can thiệp thị trường vàng (nếu cần thiết) với khối lượng, tần suất phù hợp nhằm mục tiêu ổn định thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành để triển khai thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng…

Tiến hành tổng kết đầy đủ việc thực hiện nghị định 24/2012 đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô…

Sáng nay, giá vàng nhẫn 9999 bốc hơi 3,8 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng miếng giảm 2 triệu đồng/lượng. Đây là mức giảm sốc nhất trong nhiều tháng trở lại.

Trước đó, báo Dân trí ngày 07/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Vì sao giá vàng lao dốc không phanh sau khi ông Trump đắc cử tổng thống?”. Nội dung được báo đưa như sau:

Ngay sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, giá vàng thế giới đã lập tức giảm sâu.

Cụ thể, giá vàng thế giới được giao dịch quanh mốc 2.667 USD/ounce, giảm hơn 73 USD so với trước đó. Có thời điểm giá kim loại quý lùi sâu về mốc 2.652 USD/ounce, giảm gần 4% so với 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, so với đầu năm, giá vàng vẫn ghi nhận mức tăng hơn 29%.

Kim loại quý lao dốc do giá USD tăng mạnh khiến vàng kém hấp dẫn với người mua ngoài Mỹ. Chỉ số Dollar Index hiện lên cao nhất 4 tháng, do nhà đầu tư đặt cược chính sách nâng thuế nhập khẩu mạnh tay của Trump sẽ khiến lạm phát Mỹ tăng tốc, buộc lãi suất phải duy trì ở mức cao thêm một thời gian nữa.

Không chỉ vậy, thị trường vàng còn phải chịu ảnh hưởng bởi những chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau ngày bầu cử. Sự thay đổi chính sách tiền tệ lần này có thể hỗ trợ tích cực cho giá vàng vì lãi suất thấp thường làm tăng sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như kim loại quý.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng việc giá vàng thế giới giảm mạnh có thể do kỳ vọng vào khả năng ông Donald Trump thắng cử đã được phản ánh vào giá vàng từ trước. Và ngay khi kịch bản trở thành hiện thực, nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán ra chốt lời.

Dù vậy, việc giá vàng thế giới hạ sâu như vậy được dự báo sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Ông Darin Newsom, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại công ty tài chính Barchart, tin rằng ông Donald Trump sẽ có những chính sách làm hạ giá đồng USD và khiến giá vàng tăng trở lại.

Theo dự báo của ông Axel Rudolph, chuyên gia phân tích thị trường tại công ty tài chính IG Markets, giá vàng giao ngay sẽ tăng cao tới 2.900 USD/ounce vào cuối năm nay và sẽ giao dịch trong khoảng từ 3.000 đến 3.113 USD/ounce vào quý I/2025.

Ngược chiều với vàng, 3 chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đều lập đỉnh mới ngay sau khi ông Trump tái đắc cử. Chốt phiên giao dịch 6/11, chỉ số DJIA và S&P 500 đều ghi nhận phiên tăng mạnh nhất 2 năm.

Trong đó, DJIA tăng 3,5% lên kỷ lục 1.508 điểm. S&P 500 lên 5.929 điểm, Nasdaq Composite đóng cửa tại 18.983 điểm – cao nhất từ tháng 2.

Chứng khoán Mỹ đi lên khi nhà đầu tư kỳ vọng Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ giảm thuế, nới lỏng thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc nâng thuế nhập khẩu cũng có thể đem lại nhiều thách thức như thâm hụt và lạm phát cao.

Tương tự, bitcoin cũng ghi nhận đà tăng ấn tượng. Dữ liệu của CoinGecko cho thấy giá bitcoin đã tăng 6,6% trong 24 giờ qua lên mức 76.000 USD. Theo CNBC, bitcoin có thể đạt 100.000 USD trước lễ nhậm chức của ông Trump nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư về các chính sách thân thiện với tiền điện tử trong thời gian sắp tới.