Đó là nội dung được nêu từ văn bản UBND TP.HCM vừa ban hành về tiếp tục tăng cường thực hiện nhận, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
Dù trước đó TP đã có công văn 92 về việc tăng cường thực hiện nhận, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhưng thời gian qua, UBND TP nhận thấy vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc này. Có đơn vị không gửi, có đơn vị chỉ gửi tờ trình và dự thảo, không gửi đủ các hồ sơ pháp lý, có đơn vị gửi kèm văn bản mật.
Điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác cải cách hành chính, mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong điều hành, quản trị thực thi công việc.
Làm ảnh hưởng mục tiêu thực hiện số hóa toàn bộ 100% hồ sơ, đầy đủ các văn bản pháp lý của từng hồ sơ được nhận, gửi và xử lý trên môi trường điện tử của UBND TP thực hiện tốt chủ đề năm 2024 “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và nghị quyết số 98”.
Qua đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo tại công văn số 92.
Đặc biệt kể từ ngày 1-8-2024, Thường trực UBND TP và Văn phòng UBND TP không tiếp nhận văn bản giấy của các đơn vị (trừ 4 loại hồ sơ văn bản được nêu tại công văn số 92). UBND TP sẽ chuyển trả các hồ sơ điện tử không đúng thành phần theo quy định.
Nội dung này chỉ áp dụng với các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, người dân và doanh nghiệp vẫn có thể gửi văn bản, hồ sơ giấy bình thường.
4 loại hồ sơ, văn bản được gửi bản giấy
Theo công văn số 92, UBND TP chỉ nhận hồ sơ giấy với 4 loại hồ sơ, văn bản, gồm:
Văn bản, hồ sơ thuộc dạng mật, tối mật, tuyệt mật theo quy định tại Luật Bảo vệ bí mật nhà nước;
Văn bản, hồ sơ bắt buộc phải gửi bản giấy theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mức luật, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản, hồ sơ có thành phần phức tạp, khó khăn trong việc số hóa bao gồm bản đồ, bản vẽ thiết kế, ấn phẩm, vật phẩm…
Văn bản, hồ sơ liên quan đến quy hoạch; tài chính; tổ chức; bộ máy; nhân sự; chế độ chính sách đối với công viên chức, viên chức.