Khu vực sạt lở tại xóm Thanh Đàm (xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Phùng Minh
Từ ngày 6 – 12.9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa to đến rất to gây ngập lụt diện rộng. Đây là trận lũ lụt lịch sử của tỉnh Thái Nguyên khi mực nước sông Cầu đạt đỉnh 2.881cm, vượt 67cm so với mức lịch sử năm 1959.
Hiện tại, mực nước đã xuống thấp, tuy nhiên nhiều người dân tại xã Nhã Lộng (huyện Phú Bình) vẫn canh cánh nỗi lo. Một phần diện tích sát mép bờ sông tại xóm Thanh Đàm đã bị sạt lở nghiêm trọng. Mưa lớn trong thời gian dài, con nước lên xuống thấp thường khiến người dân vô cùng bất an, lo lắng.
Bà Dương Thị Thắm (xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng) cho biết, trong lịch sử chưa từng chứng kiến cảnh sạt lở nghiêm trọng như vậy. Gia đình ở sát bờ sông Cầu nên rất lo lắng đến tính mạng, tài sản, mong sẽ có phương án để đảm bảo an toàn cho người dân.
“Đã 50 năm sống tại đây chưa khi nào xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông như vậy. Hiện phần sạt lở đã ăn sâu vào phần diện tích đất của gia đình. Khi nước sông Cầu dâng cao thì tình trạng sạt lở lại trở nên nghiêm trọng hơn. Không biết khi nào nhà cửa sẽ bị cuốn trôi xuống sông.
Một dải bờ sông tại xóm Thanh Đàm đều bị sạt lở dài hàng chục mét. Cứ tình trạng mưa lũ thất thường như thế này thì người dân không biết phải làm sao. Đợt lũ lịch sử vừa qua mọi người vô cùng lo lắng. Giờ lũ đã đi qua nhưng nỗi lo vẫn còn nguyên” – bà Thắm lo lắng.
Cũng theo bà Thắm, mong sớm có phương án hỗ trợ người dân khu vực bờ sông. Nhiều gia đình xây dựng nhà cửa nhưng vẫn sống nơm nớp. Cách đây hơn 1 tháng hàng chục hộ gia đình quanh đây phải di dời, đi ở nhờ khi có dấu hiệu sạt lở.
Cùng tâm trạng, bà Dương Thị Loan (xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng) cho biết, đợt mưa lũ vừa qua thì tình trạng sạt lở tại khu vực bờ sông Cầu lại càng nghiêm trọng. Hiện một số công trình phụ của gia đình không thể sử dụng vì nằm sát bờ sông quá.
Theo bà Loan, thời điểm bắt đầu có dấu hiệu sạt lở thì mọi người đã được di dời. Tuy nhiên, khi chưa có phương án xử lý dứt điểm thì vẫn phải sống trong thấp thỏm, lo âu. Hiện phần sạt lở mép sông Cầu tại xóm Thanh Đàm đã kéo dài hàng chục mét, ăn sâu vào bờ.
“Giờ mưa lũ qua rồi, nước sông Cầu đã rút nhiều, nhưng nỗi lo vẫn chưa qua đi. Mong cơ quan chức năng sớm có phương án. Nếu vẫn tiếp tục ở đây thì phải kè đoạn bờ sông lại để đảm bảo an toàn” – bà Loan cho hay.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Nhã Lộng – cho biết, khu vực xóm Thanh Đàm hiện có khoảng 6 hộ bị trực tiếp ảnh hưởng bởi sạt lở. Còn dọc khu vực bờ sông đoạn sạt lở có thêm 18 hộ dân trong vùng nguy hiểm.
“Tại khu vực sạt lở địa phương đã khoanh vùng, có các biển cấm, cảnh báo. Đồng thời huy động lực lượng trực chốt 24/24 để đảm bảo an toàn. Hiện các cấp đang xem xét để kè lại khu vực sạt lở để giải quyết dứt điểm tình trạng này” – vị lãnh đạo này thông tin thêm.