Bão Trà Mi khiến nhiều người tử vong không thể nhận dạng ở Philippines
Bão Trà Mi đổ bộ đã nhấn chìm nhiều làng mạc phố xá ở Philippines trong biển nước và khiến ít nhất 40 người thiệt mạng, nhiều người thậm chí không thể nhận dạng.
Báo ZNews ngày 25/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Bão Trà Mi khiến nhiều người tử vong không thể nhận dạng ở Philippines” cùng nội dung như sau:
Lực lượng cứu hộ Philippines hôm 25/10 đã chiến đấu với lũ lụt để tiếp cận và giải cứu những người vẫn đang mắc kẹt trong khu vực ảnh hưởng bão Trà Mi (tên quốc tế là Trami).
Số người chết do bão Trà Mi vẫn tiếp tục tăng sau khi cơn bão chuyển hướng ra khỏi Philippines vào sáng sớm 25/10.
Tại tỉnh Batangas, phía nam thủ đô Manila, trung sĩ Nelson Cabuso nói với AFP rằng sáu thi thể không xác định được danh tính đã được tìm thấy tại làng Sampaloc.
“Khu vực này bị lũ quét vào hôm qua (24/10), lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm xem có thương vong nào khác trong khu vực này hay không”, ông Cabuso nói.
Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin nhiều khu vực khác của tỉnh Batangas vẫn đang bị cô lập và lực lượng cứu hộ chưa tiếp cận được.
Năm người khác đã thiệt mạng trong trận lũ quét ở làng ven biển Subic Ilaya, cảnh sát trưởng Alvin de Leon cho biết.
Người dân được hỗ trợ sơ tán khỏi lũ quét ở tỉnh Albay, Philippines. Ảnh: Xinhua.
Kể cả khi bão Trà Mi đã di chuyển ra biển, hàng chục nghìn người vẫn phải tiếp tục di dời do tác động của lũ lụt sau đợt mưa lớn kéo dài, theo CNA.
“Nhiều người vẫn mắc kẹt trên mái nhà và đang cầu cứu”, Andre Dizon, giám đốc cảnh sát khu vực Bicol nói với AFP. “Chúng tôi hy vọng rằng lũ sẽ rút bớt vào hôm nay, vì mưa đã tạnh”.
Chuẩn tướng Dizon nói thêm rằng tình trạng thiếu xuồng cao su cứu hộ đang là “thách thức lớn nhất” song cũng đề cập rằng vật tư hỗ trợ đang được gửi đến những khu vực bị ảnh hưởng.
Giới chức Philippines cho biết hơn 2 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, bao gồm 75.400 cư phải sơ tán khỏi nơi cư trú. Mỗi năm, Philippines đón khoảng 20 cơn bão. Vào năm 2013, bão Hải Yến, một trong những cơn bão nhiệt đới được ghi nhận mạnh nhất trên thế giới, đã khiến hơn 7.300 người chết hoặc mất tích và san phẳng nhiều làng mạc, đô thị.
Tiếp đến, báo Lao Động ngày 25/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Bão Trà Mi sắp bước vào thời điểm mạnh nhất”. Nội dung được báo đưa như sau:
Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 25.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ bắc; 118 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 15km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ khoảng 20km/h. Đến 10 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ vĩ bắc – 113,5 độ kinh đông; trên khu vực Bắc Biển Đông; cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km về phía đông bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 – 12, giật cấp 15.
Dự báo trong 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 15km/h. Đến 10 giờ ngày 27.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc – 109,8 độ kinh đông; trên khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa, cách Quảng Trị – Quảng Ngãi khoảng 200km về phía đông bắc.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.Cập nhật vị trí và đường đi bão Trà Mi vào 11h hôm nay 25.10. Ảnh: Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam
Dự báo trong 72 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây nam sau đó là đông nam với tốc độ khoảng 5 – 10km/h. Đến 10 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,9 độ vĩ bắc – 109,6 độ kinh đông; trên vùng biển ngoài khơi Trung Trung Bộ.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng đông mỗi giờ đi được 5 – 10km, cường độ tiếp tục suy yếu thêm.
Về tác động của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 12 (89-133km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 5 – 7m, vùng gần tâm bão 7 – 9m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên (đặc biệt trên khu vực huyện đảo Hoàng Sa) đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.