Món ngon ‘mỏng dính’ ở Thái Bình, khách ăn thoải mái chưa hết 50.000 đồng

Đậu phụ ở làng Kênh (Thái Bình) mỏng dẹt, được dùng để chế biến nhiều món ngon như đậu phụ chiên giòn, đậu cuộn thịt,…

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 90km, làng Kênh (thuộc xã Tây Đô, huyện Hưng Hà) là một trong những điểm đến thu hút du khách khi tới Thái Bình.

Nơi đây nổi tiếng với một món ăn dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Đó là đậu Kênh (tên gọi tắt của món đậu phụ trứ danh ở làng Kênh).

Theo người dân địa phương, không ai rõ nghề làm đậu phụ ở làng Kênh có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề cha truyền con nối. Hiện tại, trong làng có khoảng hơn 50 hộ gia đình làm đậu và những người làm nghề có tuổi đã là đời thứ 3.

Gia đình ông Khải, bà Chè (chủ một cơ sở sản xuất đậu phụ ở làng Kênh) cho biết, quy trình làm đậu Kênh ở làng đều như nhau nhưng mỗi hộ sẽ có bí quyết riêng để đậu đạt chất lượng thơm ngon, trong đó quan trọng nhất là khâu pha chua.

Đậu ngon phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết, về nguyên liệu, người làng Kênh phải tuyển chọn đỗ tương loại to, hạt chắc mẩy. Sau đó, đỗ được ngâm nước 3 – 4 tiếng rồi đãi sạch, cho vào máy nghiền thành nước.

Từ hỗn hợp nước thu được, người ta tiếp tục dùng máy lọc để tách bã, lấy nước đỗ tương, sau đó đun sôi bằng nồi sục khí, thêm nước chua để nước đậu kết thành đậu non. Phần đậu non được múc vào khuôn và ép ra nước cho miếng đậu săn chắc lại.

Cuối cùng, chuyển đậu từ khuôn ra khay sạch, rắc muối lên các lớp đậu là hoàn thành một mẻ.

Quá trình làm một mẻ đậu tốn khoảng 2 – 3 tiếng. Một ngày, các hộ dân ở đây có thể làm hai mẻ vào lúc rạng sáng và đầu giờ chiều.

Hiện nhiều gia đình ở làng Kênh đã đầu tư máy móc hiện đại để làm đậu phụ, thay vì sản xuất thủ công như trước đây.

HSON5842.jpg

So với các loại đậu phụ truyền thống khác, đậu Kênh có kích thước mỏng dẹt hơn rất nhiều, độ dày chỉ khoảng 0,5cm và mềm mịn. Bên cạnh đó, đậu Kênh có độ thanh mát, dậy mùi thơm đặc trưng của đỗ tương.

Đậu Kênh thường được bán theo cân với giá từ 25.000 – 30.000 đồng. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, đậu còn được rán sơ qua rồi vận chuyển tới các tỉnh thành lân cận, vừa bảo quản được lâu, vừa đảm bảo chất lượng và mùi vị.

Có dịp đến làng Kênh vào tháng 7, Nguyễn Hồng Sơn (27 tuổi, sống ở Hà Nội) thấy ấn tượng với không gian mang đậm nét kiến trúc Bắc Bộ, được bao quanh bởi cánh đồng lúa bạt ngàn và rặng phi lao mọc thẳng tắp dọc lối vào làng.

“Quê mình ở huyện Hưng Hà và gia đình thường ăn món đậu phụ dân dã của làng Kênh. Vì vậy, mình muốn về đây tìm hiểu và trải nghiệm quy trình làm ra những miếng đậu mỏng mịn trứ danh này”, Sơn chia sẻ.

HSON5864.jpg

Nhiếp ảnh gia 9X cũng cho hay, người dân trong làng rất thân thiện, cởi mở, không ngần ngại chia sẻ với du khách về quá trình làm đậu phụ.

Theo Hồng Sơn, đậu Kênh có thể chế biến thành nhiều món như đậu cuộn thịt, nhúng lẩu, đậu lướt ván,… nhưng dân dã nhất là đậu rán giòn, ăn kèm bún lá chấm mắm tôm càng ngon.

HSON5855.jpg

Chàng trai nhận xét đậu Kênh có vị béo ngậy, thanh mát và thơm. Vì đậu phụ mỏng dẹt nên thực khách có thể ăn nhiều mà không bị ngán.

Sơn gợi ý, ngoài làng Kênh, nếu có dịp ghé thăm Thái Bình, du khách có thể kết hợp khám phá một số điểm đến hấp dẫn khác như: Đền Tiên La (thờ Bát Nạn Tướng Quân); Đền Trần Thái Bình; Làng nghề Dụ Đại (làm bánh đa),… và đừng quên trải nghiệm các món ăn ngon như bún bung, bánh canh cá rô Quỳnh Côi,…

Ảnh, video: Nguyễn Hồng Sơn